In bài viết

Lâm Đồng: Cơ chế một cửa liên thông tại 18/19 sở, ngành

Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh Lâm Đồng, cơ chế một cửa, một cửa liên thông đã được thực hiện tại 18/19 sở ngành, 12/12 huyện, thành phố, 144/148 xã, phường, thị trấn.

17/08/2010 10:10


(Ảnh minh họa)

Trong tổng số 522 thủ tục hành chính tại địa phương, có 90 thủ tục đang được thực hiện theo cơ chế một cửa liên thông. UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, từ mấy năm trước, tỉnh đã chỉ đạo xây dựng dự án đầu tư mô hình một cửa, một cửa liên thông hiện đại, thực hiện thí điểm tại UBND huyện Đức Trọng, UBND thành phố Đà Lạt và 2 đơn vị cấp xã thuộc Đà Lạt, Đức Trọng.

Hiện nay, UBND cấp huyện thực hiện 30 loại thủ tục hành chính một cửa, trong đó riêng huyện Đức Trọng thực hiện 8 loại thủ tục theo cơ chế một cửa liên thông từ xã đến huyện.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Huỳnh Đức Hòa, một số huyện đang tích cực triển khai thực hiện cơ chế một cửa liên thông như: thành phố Đà Lạt, huyện Đơn Dương, Di Linh, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên, Lâm Hà...

Mới đây, tháng 6 - 7/2010, UBND tỉnh Lâm Đồng đã quyết định sửa đổi, bổ sung bộ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các đơn vị: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Giao thông vận tải, Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Ban Dân tộc, Thanh tra tỉnh và Bộ thủ tục hành chính cấp huyện, cấp xã. Theo đó, tỉnh yêu cầu các đơn vị phải tổ chức giải quyết theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông đối với toàn bộ thủ tục hành chính thuộc bộ thủ tục của cơ quan, đơn vị mình.

Đánh giá chung cho thấy, quy trình và thủ tục giải quyết các thủ tục hành chính đang từng bước được cải tiến, đặc biệt là việc cụ thể hóa các thành phần hồ sơ, các bước và thời gian thực hiện cũng từng bước được chi tiết và phù hợp hơn, trách nhiệm của từng cá nhân, bộ phận... qua các khâu được kiểm soát chặt chẽ, rõ ràng hơn trước.

Do cơ sở vật chất, trang thiết bị cho bộ phận tiếp nhận và trả kết quả được quan tâm đầu tư, nên đến nay, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại các sở, ngành, UBND cấp huyện đã cơ bản đáp ứng yêu cầu về diện tích phòng làm việc, cũng như các trang thiết bị. Song, đối với cấp xã cũng còn nhiều đơn vị cũng chưa bố trí được phòng riêng tiếp dân giải quyết thủ tục hành chính, hay các trang thiết bị còn đơn giản... chưa đáp ứng yêu cầu.

Cổng thông tin điện tử của tỉnh cũng đã đăng tải công khai tất cả các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã. Hệ thống sổ sách theo dõi, các biểu mẫu thực hiện, tổng hợp báo cáo kết quả giải quyết thủ tục hành chính đã được mẫu hóa để thực hiện thống nhất trong các cơ quan, đơn vị, giúp cho việc theo dõi, tổng hợp được thực hiện thuận lợi và thống nhất.

Nhìn lại công tác cải cách thủ tục hành chính trong những năm qua tại tỉnh Lâm Đồng, có thể thấy các thủ tục hành chính mang tính quan liêu, rườm rà, gây phiền hà cho doanh nghiệp, nhân dân đã và đang được xóa bỏ, từng bước hoàn thiện các thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu công khai, đơn giản và thuận tiện cho dân. Từ đó, quyền làm chủ của nhân dân ngày càng được phát huy và tạo được sự đồng thuận của nhân dân với các quyết sách của chính quyền.

Nếu như trước đây, mối quan hệ giữa nhân dân với cấp quản lý hành chính mang nặng tính "xin-cho" thì quá trình cải cách đã từng bước làm chuyển biến cân bằng giữa quyền của dân và trách nhiệm của nhà nước, và ngược lại, đồng thời đã dần hình thành rõ rệt cơ chế nền hành chính phục vụ nhu cầu của dân, doanh nghiệp.