Lực lượng kiểm lâm là một trong những lực lượng thi hành công vụ bị tấn công nhiều nhất |
Bài 2: Nhận diện các đối tượng và hành vi chống người thi hành công vụ
Một là, tính chất của hành vi chống người thi hành công vụ có xu hướng phức tạp, với thủ đoạn vừa tinh vi, vừa trắng trợn và gây hậu quả ngày càng nghiêm trọng. Trong khi thực hiện hành vi phạm tội, ngoài các công cụ tự nhiên như gạch, đá, gậy gộc..., trong nhiều vụ án người phạm tội còn sử dụng dao găm, mìn, lựu đạn, súng... được chuẩn bị từ trước để đe dọa hoặc tấn công người thi hành công vụ.
Gần đây, những vụ việc chống người thi hành công vụ liên quan đến tranh chấp đất đai, khiếu kiện lâu năm mà chưa giải quyết được dứt điểm, thường có những diễn biến rất phức tạp với sự tụ tập đông người tại trụ sở chính quyền, nêu yêu sách và sau đó mượn cớ để gây rối, bắt bớ, hành hung cán bộ ...
Ba là, người có hành vi chống người thi hành công vụ thuộc nhiều tầng lớp, thành phần xã hội khác nhau, trong đó đối tượng là người có tiền án, tiền sự chiếm số lượng đáng kể, phần lớn là các đối tượng phạm pháp hình sự nguy hiểm, có ý thức chống đối rõ rệt; trình độ văn hóa, hiểu biết pháp luật của những người phạm tội này nhìn chung là thấp, tập trung vào độ tuổi thanh niên và trung niên...
Bốn là, hành vi chống người thi hành công vụ có thể nhằm vào nhiều loại người thi hành công vụ trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Song, những người thi hành công vụ thường bị tấn công nhiều nhất là lực lượng bảo vệ pháp luật, quản lý thị trường, kiểm lâm, hải quan, cán bộ chính quyền cấp cơ sở. Trong đó, lực lượng Công an khi thi hành công vụ thường bị các đối tượng chống lại nhiều nhất so với các cán bộ của ngành khác vì hoạt động của lực lượng Công an liên quan đến các lĩnh vực của đời sống xã hội và đóng vai trò nòng cốt trong bảo vệ an ninh, trật tự.
Năm là, từ nhiều nguồn thông tin khác nhau cho thấy, các vụ việc có liên quan đến chống người thi hành công vụ tại nhiều địa phương đã bị các thế lực thù địch và một số phần tử xấu lợi dụng, xuyên tạc, tuyên truyền, bóp méo sự việc nhằm làm mất lòng tin của nhân dân đối với Nhà nước, chính quyền, cán bộ, công chức và những người thi hành công vụ.
Người có hành vi chống người thi hành công vụ thuộc nhiều tầng lớp, thành phần xã hội khác nhau, trong đó đối tượng là người có tiền án, tiền sự chiếm số lượng đáng kể |
Bóc tách các nguyên nhân
Nguyên nhân của tình trạng chống người thi hành công vụ, trong đó có nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan.
Một là, do bản chất liều lĩnh, chống đối của bọn tội phạm, nhất là số lưu manh chuyên nghiệp, côn đồ hung hãn, có tiền án, tiền sự, đối tượng phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Chúng hoạt động rất manh động, táo tợn, coi thường pháp luật, sẵn sàng chống lại các lực lượng thực thi pháp luật nhằm trốn tránh pháp luật.
Hai là, do tác động tiêu cực của mặt trái kinh tế thị trường đã hình thành ở một số ít người lối sống buông thả, tự do quá trớn, coi thường pháp luật, thiếu tôn trọng kỷ cương, phép nước, sẵn sàng chống lại bất cứ ai làm ảnh hưởng tới quyền lợi cá nhân ích kỷ của họ.
Ba là, do trình độ nhận thức, hiểu biết hạn chế về chế độ chính sách, pháp luật và tâm lý thiếu thiện cảm, bất hợp tác với lực lượng Công an của một bộ phận người dân do bị xử lý ảnh hưởng đến lợi ích cá nhân của bản thân và gia đình cùng với sự kích động, xúi giục của các phần tử xấu và các thế lực thù địch.
Bốn là, do chế độ, chính sách, pháp luật còn chưa đồng bộ; việc vận dụng chế độ, chính sách, pháp luật ở mỗi địa phương chưa thống nhất, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của người dân, đặc biệt trong việc giải quyết chính sách thu hồi đất, đền bù, giải phóng mặt bằng; cộng với tình trạng tham nhũng, tiêu cực của một số cán bộ ở cơ sở, gây phản ứng, hành động chống đối của người dân. Điều này có thể làm nảy sinh hành vi những người không chấp hành, đã chống lại lực lượng thi hành nhiệm vụ.
Năm là, do thái độ ứng xử chưa đúng mực của một số cán bộ trong thi hành công vụ và xử lý vụ việc cụ thể, khả năng thuyết phục quần chúng và các đối tượng khác không cao hoặc có biểu hiện cửa quyền, hách dịch, gây ức chế cho người dân. Cá biệt, có một số trường hợp không chấp hành đúng quy định, quy trình công tác, thậm chí vi phạm pháp luật.
Sáu là, do lực lượng Công an chưa được trang bị đầy đủ, trình độ võ thuật chưa cao, tạo tâm lý coi thường cho một số đối tượng. Một số cán bộ, chiến sỹ chủ quan mất cảnh giác, không có ý thức phòng ngừa hành vi quá khích của đối tượng nên khi bị tấn công thì lúng túng trong xử lý hoặc xử lý không kịp thời, không có hiệu quả.
Bảy là, quy định của pháp luật về hình sự và xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi chống người thi hành công vụ chưa đủ sức răn đe, phòng ngừa; đồng thời, công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật có liên quan còn hạn chế, một bộ phận nhận thức không đầy đủ hành vi chống người thi hành công vụ là vi phạm pháp luật, bị xử lý hành chính và có thể bị xử lý bằng hình sự.
Trung tướng Trần Đại Quang
Bài 3: Một số giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hành vi chống người thi hành công vụ
* Các tựa đề và lời dẫn do Cổng TTĐT Chính phủ đặt
Tin, bài liên quan:
Bài 1: Bức tranh toàn cảnh về tình hình chống người thi hành công vụ