Thực tế không còn hấp dẫn
 |
Điểm BĐVHX ngày càng đìu hiu. |
Với mục tiêu nâng cao chất lượng và hiệu quả dịch vụ BCVT, kết hợp với việc cung cấp thông tin cho nhân dân, từ những năm cuối của thế kỷ 20, Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông (thuộc Tổng cục Bưu điện) đã xây dựng các điểm BĐVHX. Đây là cách làm mới đã được sự ủng hộ của cấp ủy Đảng, chính quyền nên trong thời gian ngắn, trên 80% số xã trong toàn quốc đã có điểm BĐVHX. Từ đó, thay vì phải đi đến trung tâm cụm xã, huyện lỵ, thị trấn mới có dịch vụ BCVT thì người dân đến BĐVHX là được đáp ứng ngay. Thời kỳ này, diện phủ sóng phát thanh, truyền hình (PTTH) còn hạn chế, số hộ gia đình có phương tiện nghe, xem hoặc có báo in để đọc, có điện thoại cố định còn ít thì với số đầu sách, báo ít ỏi, những điểm BĐVHX trở thành nơi cung cấp thông tin, một “thiết chế văn hóa”, “điểm sáng” của ngành Bưu điện ở cơ sở. Song cùng với quá trình đổi mới, với nhiều chính sách để phát triển KT-XH, nhiều chương trình mục tiêu như đưa thông tin về cơ sở, phủ sóng vùng lõm, đưa PTTH về vùng núi, vùng cao, biên giới, hải đảo, viễn thông công ích... đã góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa và tiếp nhận thông tin của nhân dân. Theo thống kê của ngành TT&TT, đến năm 2010, cả nước có 90,4% số hộ gia đình có máy thu hình, 71% số hộ gia đình có ĐTCĐ, 38% số người có ĐTDĐ, trong đó khu vực nông thôn 35% số hộ có ĐTCĐ, 33% số người có ĐTDĐ. Ở nhiều nơi, đại biểu HĐND xã, bí thư chi bộ, trưởng thôn cũng được cấp báo đọc hàng ngày. Trong khi đó điểm BĐVHX vẫn không hề thay đổi phương thức hoạt động cũ, nhân viên thực hiện dịch vụ viễn thông, chuyển phát là chủ yếu, số đông chưa được đào tạo về thông tin ở cơ sở. Trong khi Internet phát triển nhanh là phương tiện truyền tải thông tin có hiệu quả cao thì số điểm BĐVHX có kết nối Internet mới chỉ đạt 30%. Vì vậy, vai trò cung cấp thông tin qua vài tờ báo không còn hấp dẫn nữa. Dịch vụ chuyển phát thì đã được các xe khách hoặc tư nhân đáp ứng tận tình. Trong khi đó, cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật của BĐVHX xuống cấp mà không có nguồn đầu tư đã làm cho điểm BĐVHX bị lu mờ. Đó là chưa tính tới doanh số hoạt động ngày một giảm, kéo theo thu nhập của nhân viên BĐVHX quá thấp. Cũng theo thống kê của ngành TT&TT: 52% số điểm BĐVHX có doanh thu dưới 500.000 đồng/tháng, 23% số điểm có doanh thu dưới 1,5 triệu đồng/tháng, chỉ có 4% số điểm có doanh thu trên 5 triệu/tháng. Chính vì vậy, thu nhập của nhân viên điểm BĐVHX chỉ được vài trăm nghìn đồng/tháng dẫn đến tâm lý không yên tâm để phục vụ.
Cần tạo sức hấp dẫn từ nhiều phía
Văn hóa là khái niệm rất rộng, để có thiết chế văn hóa ở cơ sở, trước hết phải có không gian, môi trường, có thiết bị phục vụ cho hoạt động văn hóa. Người quản lý, tổ chức hoạt động phải có hiểu biết và có khả năng chuyên môn để thu hút người dân trong đó có tầng lớp thanh niên tham gia. Như vậy, cần phải có sự phối hợp của ngành Văn hóa. Vấn đề đặt ra làm sao để tất cả “điểm sáng” BĐVHX này tiếp tục phát huy hiệu quả, đặc biệt là những điểm ở vùng nông thôn, vùng cao nơi có nhiều khó khăn nhất.
Nhà nước có nhiều chính sách để nông nghiệp, nông thôn phát triển, nhiều cơ quan, bộ, ngành quan tâm đến nông thôn và nông dân thông qua các chương trình, dự án nhưng xem ra sự phối hợp và kết nối này chưa được chặt chẽ. Trong khi cần có sự phối hợp từ ban đầu của các ngành chức năng thì ngành Văn hóa lại có chương trình xây dựng nhà văn hóa xã, nhà văn hóa thôn, chương trình đưa văn hóa về cơ sở; ngành Tư pháp có chương trình “Tủ sách pháp luật”; ngành Giáo dục có Trung tâm giáo dục cộng đồng… Các ngành chưa có sự phối hợp với nhau, còn địa phương thì ai cho gì cũng nhận trong khi còn chưa biết phát huy hiệu quả thế nào. Vì vậy nhìn vào bức tranh toàn cảnh ở cơ sở vẫn còn manh mún. Xem ra cái gì cũng có nhưng hiệu quả thì quá thấp. Hiện tại Nhà nước đang triển khai chương trình chung tay xây dựng nông thôn mới với sự kết hợp nhiệm vụ của nhiều ngành, nhiều cấp với nhiều dự án khác nhau. Đây là dịp để sắp xếp lại hoạt động của điểm BĐVHX. Nên chăng có một Trung tâm văn hóa cộng đồng là thiết chế văn hóa ở cơ sở, trong đó có thiết bị tuyên truyền, phương tiện nghe nhìn, sách, báo, ấn phẩm văn hóa từ chương trình mục tiêu quốc gia, từ nhà văn hóa xã, từ điểm BĐVHX, từ tủ sách pháp luật… Còn dịch vụ BCVT thì tách riêng ra để phát triển vững mạnh hơn. Đặc biệt là con người được đào tạo có khả năng quản lý, tổ chức các hoạt động phù hợp với từng nơi, nếu không được công nhận là công chức xã thì cũng phải có chế độ thù lao thỏa đáng để họ yên tâm phục vụ. Làm được như vậy mới xóa được “điểm BĐVHX có như không” theo nhận xét của nhiều người.
Bảo Lâm
Theo ICTnews