Phát triển "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh"
Trong khi đồng bào Cơ Tu sinh sống ở xã Hoà Phú, huyện Hoà Vang, TP. Đà Nẵng thường chỉ biết trồng rừng, làm rượu cần, nuôi gà để phát triển kinh tế, thì anh Lê Văn Hoàng đã tiên phong áp dụng mô hình nuôi heo rừng lai hiệu quả cao, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Nắm bắt được xu hướng tiêu dùng, anh Lê Văn Hoàng đã mạnh dạn phát triển nông nghiệp sạch
Anh Lê Văn Hoàng cho hay, nắm bắt xu hướng chuộng tiêu thụ thực phẩm sạch, 4 năm trước, từ số vốn tích luỹ được, cộng với vay mượn tiền từ người thân, anh đầu tư trang trại nuôi heo rừng lai theo hình thức bán hoang dã.
Chịu khó tìm hiểu kỹ thuật nuôi trên các phương tiện thông tin đại chúng đồng thời chăm chỉ đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ các trại chăn nuôi đi trước, nên ngay từ lứa đầu tiên, đàn heo của anh phát triển tốt. Từ thành công đó anh tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích chuồng nuôi để nhân đàn.
Theo anh Lê Văn Hoàng, thức ăn của heo rừng lai rất đơn giản, quen thuộc với cuộc sống nông thôn hằng ngày như rau lang, củ quả, cây chuối, cám gạo, lá rừng, heo lại thích hợp với khí hậu ở miền núi, nên việc đầu tư nuôi vừa ít tốn công chăm sóc, nhưng mang hiệu quả kinh tế ổn định.
"Nếu so với các mô hình chăn nuôi khác thì nuôi heo rừng mang lại nguồn kinh tế ổn định hơn. Bình quân mỗi năm, gia đình tôi thu lãi hơn 200 triệu đồng, nhờ đó mà tôi vươn lên làm giàu", anh Hoàng chia sẻ.
Hiện đàn heo rừng 200 con của anh được chăn thả trong 2 trang trại, mỗi trang trại rộng 10.000 m2; không gian còn lại là vườn cỏ tự nhiên để heo vận động, ủi đất tự tìm kiếm thức ăn.
Anh Hoàng cho rằng, khi người tiêu dùng bất an với vấn nạn sử dụng các chất kích thích tăng trưởng trong chăn nuôi thì trang trại heo rừng lai thả nuôi tự nhiên với chất lượng thịt thơm, săn chắc, ít mỡ, đã trở thành địa chỉ tin cậy, được bà con xa gần tìm đến, có thời điểm không đủ hàng để bán ra thị trường.
Từ mô hình thành công của bản thân, anh Hoàng cho biết sẽ đồng hành, hỗ trợ bà con cùng làm giàu, trong đó sẽ ưu tiên bán trả chậm cho bà con trong vùng, xem đây như việc làm thiết thực cùng bà con địa phương giảm nghèo bền vững.
Vươn lên làm giàu ngay tại quê hương, anh Lê Văn Hoàng là một trong những người nông dân có ý chí, biết tiếp cận nhanh với xu thế sản xuất sạch, là tấm gương người đồng bào dân tộc Cơ Tu điển hình trong sản xuất giỏi của TP. Đà Nẵng.
Nói không với phân bón hóa học, người dân đồng bào Ca Dong ở huyện miền núi Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi đã trồng cây ăn quả theo hướng sạch, an toàn; bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao.
Đồng bào Ca Dong Quảng Ngãi canh tác theo chuẩn hướng VietGap
Ông Đinh Văn Vân, người Ca Dong, trú xã Sơn Liên, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, khi nhận thấy trồng cây keo lấy gỗ không còn mang lại hiệu quả do độ phì nhiêu của đất giảm dần, được sự hỗ trợ từ chính quyền, ông đã mày mò cải tạo đất rồi học tập cách trồng cây ăn quả theo hướng sạch, an toàn. Cây ăn quả khá phù hợp với đất và khí hậu nơi đây nên lớn nhanh, ít bị sâu bệnh.
Ông Vân chia sẻ, ông đã trồng cây ăn quả được 2 năm, hiện khu vườn rộng hơn 20.000 m2 của gia đình ông trồng các loại bưởi, ổi nữ hoàng.
Trung bình 1 ha, ông Vân trồng 350 cây bưởi da xanh theo chuẩn VietGap" và trồng xen canh 200 cây ổi lê, ổi nữ hoàng để "lấy ngắn nuôi dài". Sau 6 tháng là cây đã bắt đầu ra hoa, đậu quả, mỗi cây ổi cho thu hoạch bình quân mỗi lứa khoảng 20 kg. Khi cây bưởi ra trái và khép tán thì tiến hành chặt bỏ cây ổi. Điều đặc biệt, trồng cây ổi xen canh bưởi sẽ dẫn dụ các côn trùng gây hại từ cây bưởi qua cây ổi, hạn chế được sâu bệnh và giảm thiểu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
"Làm nông sản theo hướng sạch không khó nhưng để thành công thì đòi hỏi phải nắm vững kỹ thuật, từ cách chọn giống đến các khâu chăm sóc, bón phân... Trong thời gian chờ bưởi lớn thì mình thu hoạch ổi, bà con có nguồn thu nhập tốt hơn trồng keo như trước đây", ông Vân cho biết.
Ông Đinh Công Lập, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, là huyện miền núi của tỉnh Quảng Ngãi với 94% dân số là người đồng bào dân tộc Ca Dong, huyện Sơn Tây có diện tích đất lớn song giao thông đi lại không thuận lợi, thiếu nguồn nước, khó khăn cho canh tác nông nghiệp, tuy nhiên khí hậu khá mát mẻ, phù hợp để phát triển các loại cây ăn quả. Tận dụng điều kiện thuận lợi này, huyện đã triển khai dự án ứng dụng kỹ thuật mới trong sản xuất bưởi da xanh và chuối mốc theo hướng hàng hóa tại đây.
Sau thời gian triển khai, kết quả bước đầu thu được là đồng bào đã thay đổi tư duy, phương thức sản xuất hướng đến bảo vệ môi trường sinh thái. Hiện các xã vùng sâu tiếp tục huy động các nguồn lực cùng với sự đồng hành của người dân để mở rộng tổ chức sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao.
Đến nay, huyện Sơn Tây đã hình thành các dự án sản xuất, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất bưởi da xanh và cây chuối mốc đạt tiêu chuẩn VietGap ngay trên vùng cao của địa phương. Diện tích trồng cây sinh trưởng phát triển tốt, tỉ lệ sống trên vùng núi đạt 97%. Năng suất bưởi đạt 2-3 tấn/ha/năm ở giai đoạn bắt đầu cho quả và 8 tấn/ha ở giai đoạn kinh doanh; chuối mốc đạt 35 tấn/ha/năm.
Lưu Hương