Khẳng định sự cần thiết sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) nhằm khắc phục nhất bất cập hạn chế, nhất là đã bộc lộ trong giai đoạn phòng, chống đại dịch COVID-19 vừa qua, đại biểu Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế TP. Hà Nội nêu rõ, việc hoàn thiện luật vừa làm kim chỉ nam cho ngành y tế vượt qua khó khăn trước mắt và định hướng phát triển lâu dài.
Góp ý về hệ thống cơ sở khám bệnh chữa bệnh dự thảo chia 3 cấp (ban đầu, cơ bản, chuyên sâu), đại biểu cho rằng nội dung sửa đổi phù hợp với Nghị quyết của Trung ương. Tuy nhiên, dự thảo Luật cần bổ sung nguyên tắc sắp xếp lại cơ sở y tế công lập và ngoài công lập và quan tâm khám chữa bệnh ban đầu.
Theo đó, dự thảo Luật cũng chưa có định nghĩa về y tế cơ sở, chưa rõ phạm vi y tế cơ sở, mối liên hệ y tế cơ sở và cấp khám bệnh, chữa bệnh ban đầu. Phân bổ trạm y tế theo địa giới hành chính là không phù hợp, nhất là tại các thành phố lớn khi quy mô dân số tại 1 phường hơn 100.000 dân nhưng vẫn chỉ có một trạm y tế. Do đó, tổ chức lại hệ thống y tế là giải pháp căn cơ, rất cần mô hình cụ thể.
Theo đại biểu, công tác khám, chữa bệnh ban đầu cần được xây dựng theo mô hình y học gia đình kết hợp khu vực tư nhân và trạm y tế, đặc biệt kết nối giữa khám, chữa bệnh ban đầu với các tuyến trên, quản lý bệnh nhân theo chiều dọc, hài hòa nguồn thu giữa các tuyến…
Đại biểu Nguyễn Trí Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM (Đoàn TPHCM) cho rằng việc giao Hội đồng Y khoa quốc gia cấp giấy phép hành nghề là không phù hợp.
Theo đại biểu, giấy phép hành nghề không phải là bằng cấp chuyên môn, không thể hiện là chuyên môn cao hay chuyên môn thấp. Nhưng giấy phép hành nghề bao gồm hai vế gồm có bằng cấp chuyên môn cần thiết cộng thêm hiểu biết pháp luật nước sở tại để sử dụng chuyên môn áp dụng vào phục vụ khám, chữa bệnh cho đúng pháp luật, quy định của địa phương và của quốc gia.
Do đó, quy định chỉ có Hội đồng Y khoa quốc gia tổ chức kiểm tra, cấp giấy phép hành nghề là không hợp lý.
Lý giải quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Trí Thức cho biết, chỉ có một tổ chức cho cả nước thì khối lượng công việc sẽ rất lớn, có thể gây ra quá tải, ách tắc và khó khăn trong việc cấp giấy phép hành nghề. Đại biểu cũng nêu rõ, Hội đồng Y khoa quốc gia không phải cơ quan quản lý nhà nước hay cơ quan hành chính, mà là một tập thể nên không phù hợp để cấp giấy phép hành nghề.
Do đó, đại biểu đề nghị Hội đồng Y khoa quốc gia có trách nhiệm xây dựng chuẩn năng lực hành nghề, xây dựng ngân hàng câu hỏi để công khai; xây dựng quy chế tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề khám, chữa bệnh, xây dựng tiêu chuẩn các cơ sở y tế đủ năng lực để cấp giấy phép hành nghề, kiểm tra, đánh giá giấy phép hành nghề khám, chữa bệnh, trên cơ sở là các cơ sở đủ điều kiện do Bộ Y tế thẩm định tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực. Các cơ sở đó sẽ được tổ chức kiểm tra để đánh giá năng lực hành nghề và thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề sẽ do Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các Sở Y tế cấp như hiện nay.
Đồng tình với đại biểu Nguyễn Trí Thức, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đoàn Đồng Tháp) đề nghị quy định rõ địa vị pháp lý của Hội đồng Y khoa quốc gia.
Đại biểu khẳng định, đây là một chính sách mới, đề nghị cần phải có lộ trình bảo đảm tính khả thi và có một quy trình đủ chặt để bảo đảm nghiêm túc, chính xác, khách quan và tránh hình thức, cần có đủ chế định về cơ cấu tổ chức bộ máy sẽ làm việc này.
Góp ý về thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề, hiện có hai phương án với hai luồng ý kiến khác nhau. Qua nghiên cứu, đại biểu cho rằng quy định giao Hội đồng Y khoa quốc gia cấp và thu hồi giấy phép hành nghề là một mô hình lý tưởng. Tuy nhiên, vấn đề là làm sao để Hội đồng Y khoa quốc gia có thực quyền, để hoạt động và cấp giấy phép hành nghề phải thực chất, tránh hình thức.
Điều này phụ thuộc vào cơ cấu, thành phần và địa vị pháp lý của tổ chức này. Trên thực tế, từ khi chính thức được thành lập vào cuối năm 2020, đến nay Hội đồng Y khoa quốc gia mang tính chất cơ quan giúp việc cho Bộ trưởng Bộ Y tế, do Bộ trưởng Bộ Y tế giữ chức vụ kiêm nhiệm Chủ tịch Hội đồng, 1 Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng hoạt động chuyên trách, còn các chức vụ kiêm nhiệm.
Như vậy, nếu vẫn duy trì cơ cấu và địa vị pháp lý này, thì việc quy định Hội đồng Y khoa quốc gia trong luật chỉ mang tính hình thức và không khả thi. Do đó, để có căn cứ lựa chọn phương án, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định rõ địa vị pháp lý việc thành lập, tổ chức hoạt động của Hội đồng Y khoa quốc gia, với tư cách là một cơ quan độc lập với Bộ Y tế và hoạt động thuần túy về chuyên môn.
Đại biểu Nguyễn Công Long (Đoàn Đồng Nai) kiến nghị cần giải quyết bất cập trong mô hình quản lý chuyên môn và quản lý điều hành bệnh viện.
Đại biểu cho rằng dịch bệnh chưa hoàn toàn chấm dứt, công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân đang rất khó khăn, có tình trạng thiếu thuốc, sinh phẩm, vật tư, thiết bị y tế... đồng thời nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh lần này cần giải quyết những vấn đề bất cập lâu nay trong hệ thống y tế, phải giải quyết những quy định bất hợp lý như mô hình quản lý kiêm nhiệm chuyên môn và quản lý điều hành.
Trước thực trạng đã và đang diễn ra, theo đại biểu, sự đổi mới về quản trị y tế công là rất cấp thiết. Do đó, cần xem xét sửa đổi, bổ sung quy định phân định rõ hoạt động chuyên môn, hoạt động quản lý bệnh viện công. Đồng thời, quy chuẩn hóa tiêu chuẩn các chức danh quản lý, điều hành bệnh viện bên cạnh các quy định về điều kiện hành nghề khám, chữa bệnh.
Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Công Long đề nghị cần xem xét quy định các tiêu chuẩn về nhân lực quản lý, đây là một tiêu chí bắt buộc nhằm đánh giá chất lượng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo tiêu chuẩn chung thế giới.
Chỉ ra những khó khăn trong xã hội hóa, liên doanh, liên kết tại các cơ sở y tế, đại biểu Khương Thị Mai (Đoàn Nam Định) cho rằng có nhiều khó khăn trong vấn đề liên doanh, liên kết xảy ra trong thời gian qua như về định giá quyền sử dụng đất, định giá tài sản trên đất; thương hiệu của cơ sở y tế công lập khi thực hiện liên doanh, liên kết...
Đại biểu cho biết, vì chưa có quy định rõ về nội dung này, không quy định rõ công - tư trong dự thảo, dẫn đến làm thủ tục hành chính còn rườm rà.
Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (Đoàn Tiền Giang) nhận xét dự thảo Luật quy định rất chung chung là các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được ký hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế với cơ quan bảo hiểm xã hội khi có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.
Quy định như vậy sẽ rất khó và gây lúng túng trong quá trình thực hiện khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại các cơ sở y tế có liên doanh, liên kết. Thực tế như thời gian vừa qua, một số địa phương mất rất nhiều thời gian, công sức để tháo gỡ vướng mắc về công tác thẩm định, phân hạng, phân tuyến chuyên môn kỹ thuật khiến cơ sở bị tạm ngừng thanh quyết toán, ảnh hưởng lớn đến hoạt động cơ sở và quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế.
Lê Sơn