Hạng mục chống đỡ cổng thành cổ được làm bằng sắt sơn giả gỗ. Ảnh báo Lao động |
Theo đó, từ ngày 5/1 đến 20/1, Báo Lao động liên tiếp có các bài: "Bê tông hóa thành cổ, nhốt di tích trong cũi sắt; liệu đây có phải là cách để bảo tồn Thành cổ Sơn Tây? Xin đừng “hiện đại hóa” di tích; cần kiểm tra, làm rõ việc trùng tu, sửa chữa di tích Thành cổ Sơn Tây; Ai làm thành cổ Sơn Tây... "thất thủ" và Tự ý làm lại đường trong di tích quốc gia là sai”.
Trong đó phản ánh các nội dung liên quan tới 2 việc đã, đang thực hiện trong khuôn viên di tích Thành cổ Sơn Tây. Cụ thể, phương án chống đỡ tu bổ cấp thiết 2 cổng Thành cổ Sơn Tây; việc chỉnh trang đường, kè hào nước xung quanh Thành cổ và một số ý kiến của cá nhân phản ánh về vụ việc.
Về thực trạng tại di tích: Ngày 17/1, Sở Văn hóa và Thể thao đã phối hợp kiểm tra tại di tích, qua đó cho thấy: Việc tu bổ gia cố chống đỡ cổng phía Tây và phía Nam Thành cổ Sơn Tây đã thực hiện xong. Việc cải tạo hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu vực đường xung quanh Thành cổ Sơn Tây đã kè chống 4 đoạn kè hào (khoảng 150m), đã bóc và đổ bê tông lót đường; toàn bộ đường đi từ cống Bắc qua cổng Tây đến cổng Nam và hoàn trả được khoảng sân 300m gạch lát mặt đường, phần đường và kè còn lại chưa thi công hiện trạng lồi lõm, một số chỗ đất bị sạt lở mất mỹ quan và không thuận lợi cho du khách đi tham xung quanh Thành cổ.
Ý kiến của Cục Di sản văn hóa tại Văn bản số 19/DSVH-DT ngày 11/1: Việc 2 cổng thành phía Tây và phía Nam được bao bọc xung quanh bởi một khung sắt sơn màu giả gỗ là hạng mục thuộc dự án tu bổ Thành cổ Sơn Tây nhằm chống đỡ không để công trình bị đổ khi chưa có điều kiện tu bổ đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thỏa thuận tại Công văn số 3478/BVHTTDL ngày 19/10/2011.
Ảnh báo Lao động |
Về việc đổ bê tông tôn nền đường lên hàng chục centimet so với hiện nay, đồng thời bó vỉa bằng đá, lát lại lớp gạch cũ và mới trên mặt đường cần lập thành báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ di tích theo quy định của Nghị định số 70/2012/NĐ-CP ngày 18/9/2012 quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự án tu bổ di tích lịch sử - văn hóa, trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định.
Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đề nghị UBND thị xã Sơn Tây chỉ đạo các đơn vị liên quan dừng thi công đồng thời tổ chức hội nghị xin ý kiến chuyên ngành (gồm đại diện Cục Di sản văn hóa, Sở Văn hóa và Thể thao, Ban Quản lý di tích danh thắng, một số nhà khoa học) để làm cơ sở hoàn thiện phương án báo cáo UBND thành phố, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.