Gửi kiến nghị tới Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIV, cử tri tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho rằng việc lấy một phần ngân sách Nhà nước bồi thường án oan sai sẽ gây bức xúc cho nhân dân vì đây là tiền thuế của dân. Cử tri đề nghị xem xét lại nội dung này tại Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Về vấn đề này, Bộ Tư pháp trả lời cử tri tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu như sau:
Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đã được quy định tại Điều 598 Bộ luật Dân sự năm 2015, theo đó, Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra.
Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009 trước đây và Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 đều quy định trách nhiệm bồi thường do người thi hành công vụ vi phạm là trách nhiệm thuộc về Nhà nước. Sau khi Nhà nước bồi thường thiệt hại thì người thi hành công vụ có trách nhiệm hoàn trả cho Nhà nước một khoản tiền tuỳ theo mức độ lỗi của họ.
Theo thông lệ quốc tế, tất cả các nước có pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đều quy định kinh phí bồi thường do người thi hành công vụ vi phạm gây thiệt hại được lấy từ ngân sách Nhà nước.
Mặt khác, để bảo đảm trách nhiệm của Nhà nước đối với công dân trên cơ sở thực hiện nguyên tắc kịp thời thì chỉ có ngân sách Nhà nước mới bảo đảm, khả năng bồi thường theo quy định của pháp luật mới được thực thi. Nếu quy định buộc người thi hành công vụ vi phạm pháp luật gây thiệt hại phải bồi thường toàn bộ, ngay lập tức không phụ thuộc lỗi, thì với quy định về thu nhập, lương của cán bộ, công chức nước ta hiện nay sẽ không bảo đảm được việc bồi thường, khi đó không thể thực hiện được vai trò, trách nhiệm quản lý của Nhà nước.
Đối với quy định thực hiện trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ có lỗi gây thiệt hại được xác định cụ thể căn cứ vào mức độ lỗi của người thi hành công vụ đó và số tiền Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 và Nghị định số 68/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước để bảo đảm quyền lợi của Nhà nước cũng như người bị thiệt hại.
Đặc biệt, trong trường hợp người thi hành công vụ có lỗi cố ý gây thiệt hại mà có bản án đã có hiệu lực pháp luật tuyên người đó phạm tội thì phải hoàn trả toàn bộ số tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại, đây là một trong những điểm mới của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 so với Luật năm 2009.
Như vậy, việc Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước hiện hành quy định sử dụng ngân sách Nhà nước là nguồn kinh phí thực hiện chi trả tiền bồi thường là phù hợp với hệ thống pháp luật trong nước, thông lệ quốc tế cũng như thực tế của đất nước.