In bài viết

Làm thật tốt và hiệu quả truyền thông về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã

(Chinhphu.vn) – Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu phải "làm thật tốt và hiệu quả" công tác truyền thông về sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, xã bằng nhiều hình thức, trong đó có mạng xã hội với nội dung ngắn gọn, dễ tiếp cận, có hiệu ứng truyền thông lớn.

28/02/2024 18:35
Làm thật tốt và hiệu quả truyền thông về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã- Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã - Ảnh: VGP/Hải Minh

Chiều 28/2, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã.

Báo cáo tại cuộc họp cho thấy tính đến ngày 31/12/2023, tất cả 56/56 tỉnh, thành phố có đơn vị hành chính cấp huyện, xã thuộc diện sắp xếp giai đoạn 2023-2025 đã gửi phương án tổng thể đến Bộ Nội vụ.

Trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành Trung ương liên quan, Bộ Nội vụ đã ban hành 56 văn bản tham gia ý kiến đối với phương án sắp xếp của các địa phương.

Hiện các địa phương đang khẩn trương xây dựng, hoàn thiện Đề án sắp xếp để tổ chức lấy ý kiến cử tri, thông qua HĐND các cấp theo quy định để báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Tổng số ĐVHC cấp huyện thực hiện sắp xếp là 50 đơn vị bao gồm 11 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, 16 đơn vị khuyến khích và 23 đơn vị liền kề. Sau sắp xếp, dự kiến giảm 14 đơn vị.

Trong khi đó, tổng số ĐVHC cấp huyện thuộc diện phải sắp xếp nhưng địa phương đề nghị không thực hiện sắp xếp do có yếu tố đặc thù là 19 đơn vị.

Đối với cấp xã, tổng ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp là 1.243 đơn vị, bao gồm 738 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, 109 đơn vị khuyến khích và 396 đơn vị liền kề. Sau sắp xếp dự kiến giảm 619 đơn vị.

Tổng số ĐVHC thuộc diện phải sắp xếp nhưng địa phương đề nghị không thực hiện sắp xếp do có yếu tố đặc thù là 515 đơn vị.

Việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2023 - 2025 phải hoàn thành trước tháng 10/2024 để các địa phương kịp chuẩn bị tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, trong đó cấp cơ sở thực hiện trong quý I/2025.

Như vậy, thời gian thực tế để tiến hành toàn bộ các quy trình sắp xếp ĐVHC chỉ còn khoảng 6 tháng trong khi việc sắp xếp ĐVHC là nội dung quan trọng, phức tạp, mức độ tác động, ảnh hưởng lớn, quy trình thực hiện được tiến hành chặt chẽ, qua nhiều giai đoạn nên các địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc bảo đảm tiến độ thời gian theo yêu cầu.

Làm thật tốt và hiệu quả truyền thông về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã- Ảnh 2.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, xã nhằm làm cho bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả hơn - Ảnh: VGP/Hải Minh

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ trong thời gian tới phải tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao cả về nhận thức và hành động trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các chủ thể chịu tác động, ảnh hưởng trong quá trình sắp xếp.

Trong quá trình triển khai, phải chuẩn bị phương án sắp xếp kỹ lưỡng, khoa học, linh hoạt, phù hợp với tình hình, điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng cơ quan, đơn vị, địa phương.

Các địa phương cần đặc biệt lưu ý rà soát, xác định các trường hợp thuộc diện sắp xếp, khuyến khích sắp xếp và liền kề trong giai đoạn 2023 – 2025.

Đối với các trường hợp thuộc diện sắp xếp nhưng địa phương đề xuất chưa hoặc không sắp xếp trong giai đoạn 2023 -2025 thì phải giải trình thuyết phục, có đủ căn cứ theo quy định tại Điều 3 Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15.

Cụ thể đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 thì phải đáp ứng đồng thời 2 điều kiện: (i) có vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh hoặc có đặc điểm về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán riêng biệt; (ii) nếu sắp xếp với ĐVHC liền kề khác sẽ dẫn đến mất ổn định về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Hoàn thiện điều kiện, tiêu chuẩn của ĐVHC đô thị dự kiến hình thành sau sắp xếp về quy hoạch và phân loại đô thị, rà soát đánh giá chất lượng đô thị đồng thời với việc xây dựng các đề án sắp xếp ĐVHC, bảo đảm khi trình Chính phủ các đề án này đã thực hiện đầy đủ các trình tự, thủ tục và đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định.

Bên cạnh đó, tập trung xây dựng Đề án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 để trình cấp có thẩm quyền, bảo đảm chất lượng và tiến độ theo yêu cầu.

Tập trung chỉ đạo giải quyết kịp thời các vấn đề vướng mắc, khó khăn phát sinh do sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã, cụ thể: (1) Bố trí, giải quyết chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức bị ảnh hưởng khi sắp xếp, bảo đảm đúng đối tượng, công khai, minh bạch, đúng chủ trương, chính sách của Đảng, quy định của pháp luật; (2) Rà soát, lập danh sách và đánh giá hiện trạng, tình hình sử dụng các trụ sở công ở các ĐVHC (bao gồm các đơn vị đã thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2019 - 2021 và các đơn vị dự kiến sẽ sắp xếp trong giai đoạn 2023 - 2025); rà soát, điều chỉnh, cập nhật quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để phục vụ sắp xếp lại, xử lý trụ sở; cân đối, bố trí nguồn ngân sách để đầu tư sửa chữa, cải tạo, nâng cấp các trụ sở làm việc được tiếp tục sử dụng phục vụ hoạt động của đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp phù hợp với quy hoạch và điều kiện thực tế của địa phương; (3) Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân trong chuyển đổi giấy tờ do có thay đổi từ việc sắp xếp ĐVHC, giải quyết các chế độ, chính sách gắn với ĐVHC cho người dân bảo đảm kịp thời, minh bạch, đúng đối tượng.

Chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra quá trình thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã; khen thưởng, động viên, khích lệ các địa phương, đơn vị, cá nhân thực hiện tốt công tác sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã.

Đồng thời báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét trách nhiệm đối với trường hợp địa phương không quyết liệt, có biểu hiện né tránh thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã theo yêu cầu của Bộ Chính trị, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, xã nhằm làm cho bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả hơn.

Phó Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực, cố gắng của Bộ Nội vụ - cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo và các bộ, ngành là thành viên của Ban Chỉ đạo cũng như của các địa phương trong việc hoàn thành khối lượng lớn công việc trong thời gian ngắn vừa qua.

Phó Thủ tướng ước lượng khoảng 60% nhiệm vụ đã được hoàn thành nhưng những nhiệm vụ còn lại đều rất khó, nhạy cảm, đụng chạm đến chế độ, chính sách nên phải làm kỹ trong khi thời gian còn lại không còn nhiều, đòi hỏi các thành viên Ban Chỉ đạo phải tận tâm, cố gắng, tích cực hơn.

Phó Thủ tướng đánh giá việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã hiện nay có thuận lợi hơn so với đầu nhiệm kỳ do có kinh nghiệm hơn, thậm chí có 20 địa phương chủ động đề xuất sắp xếp địa giới hành chính cấp huyện để có dư địa phát triển, các giải pháp đề ra cũng hài hoà hơn, tôn trọng kiến nghị hợp lý của cơ sở.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh 5 nguyên tắc trong triển khai những công việc sắp tới, gồm: Ban hành văn bản hướng dẫn theo thủ tục rút gọn; nhiệm vụ nào được phép "nợ" theo quy định thì để lại thực hiện sau bởi nếu dàn hàng ngang làm thì 6 tháng không xong; những nhiệm vụ không thể thực hiện được thì chuyển sang giai đoạn sau nhưng phải hạn chế đến mức tối đa; triển khai đồng thời những nhiệm vụ còn lại để bảo đảm tiến độ; phải tôn trọng ý kiến của cơ sở, tránh máy móc, nếu không sẽ thất bại.

Phó Thủ tướng đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo cho ý kiến để Bộ Nội vụ hoàn thiện Kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo trong năm 2024, sớm trình Phó Thủ tướng ký ban hành.

Phó Thủ tướng yêu cầu phải "làm thật tốt và hiệu quả" công tác truyền thông bằng nhiều hình thức, trong đó có mạng xã hội với nội dung ngắn gọn, dễ tiếp cận, có giá trị truyền thông lớn.

Phó Thủ tướng giao Bộ Nội vụ chuẩn bị báo cáo tổng hợp khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của các địa phương, gửi các thành viên Ban Chỉ đạo và cử cán bộ có năng lực, chuyên môn tháp tùng từng thành viên Ban Chỉ đạo khi làm việc với các địa phương được phân công.

Các thành viên Ban Chỉ đạo nghiên cứu kỹ báo cáo tổng hợp của Bộ Nội vụ trước khi họp với địa phương; thực hiện linh hoạt hình thức họp với địa phương trong vòng 2 tuần tới; tiếp thu đầy đủ, khách quan thông tin từ địa phương để báo cáo về thường trực Ban Chỉ đạo.

Bộ Nội vụ có trách nhiệm điều phối chung, xây dựng cơ chế tiếp nhận, trao đổi thông tin thông suốt, nhanh chóng với từng thành viên Ban Chỉ đạo và các địa phương; tổ chức thẩm định các đề án sắp xếp ĐVHC của các địa phương, trước khi trình Chính phủ xem xét để trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn các địa phương có quy hoạch tỉnh được cấp có thẩm quyền phê duyệt trước thời điểm Quốc hội ban hành Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12/7/2023 và có phương án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, xã để các địa phương đề xuất điều chỉnh quy hoạch, bảo đảm đồng bộ.

Bộ Tài chính sớm trình Chính phủ ban hành các nghị định thay thế Nghị định 167/2017/NĐ-CP và Nghị định 67/2021/NĐ-CP quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công, trong đó có bổ sung đối tượng là các ĐVHC cấp huyện, xã thực hiện sắp xếp.

Bộ Xây dựng hướng dẫn cụ thể việc phân loại đô thị đối với thành phố, thị xã, thị trấn dự kiến hình thành sau sắp xếp và đánh giá trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị đối với quận, phường dự kiến hình thành sau sắp xếp./.

Hải Minh