In bài viết

LÀM THẾ NÀO ĐỂ HẾT "TIẾN SĨ GIẤY"

Mới đây, trước diễn đàn Quốc hội, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã bức xúc tuyên bố “Chúng tôi kêu gọi những ai không định nghiên cứu để có cái mới của khoa học, xin đừng làm tiến sĩ, đừng lãng phí thời gian của mình và người khác”. Về phương diện cá nhân tôi cũng thật sự cảm kích với lời kêu gọi của Phó Thủ tướng, hy vọng sẽ không còn "tiến sĩ giấy" nữa, đồng thời để trả lại "danh" cho những người tâm huyết với những công trình nghiên cứu khoa học được Nhà nước đánh giá thông qua tấm "Bằng Tiến sĩ" - một danh hiệu cao quí mà bất kỳ thời đại nào cũng phải được đáng trân trọng. Nhưng một câu hỏi lớn và thật sự nghiêm túc được đặt ra là có hết "tiến sĩ giấy" thật không? Theo tôi câu hỏi này phải được các nhà quản lý ngành giáo dục và đào tạo trả lời.

20/11/2007 10:02

Thiết nghĩ vẫn cứ cách làm như cũ là lên chỉ tiêu "kế hoạch đào tạo" cấp học tiến sĩ lớn như hiện nay, chất lượng chưa phải được xã hội thừa nhận đầy đủ, vẫn cứ cách làm không cải tiến đổi mới như hiện nay của ngành giáo dục đào tạo thì chỉ tiêu pháp lệnh về đào tạo tiến sĩ "lớn" kia vẫn cứ như dòng chảy không ngừng. Theo GS Trần Văn Thọ, Đại học Waseda, Tokyo nhận xét: "Nhật Bản đông dân hơn và có thu nhập đầu người gấp gần 70 lần Việt Nam, vậy mà ở nước ta số người có bằng tiến sĩ trong các lĩnh vực quản lý hành chính hoặc kinh doanh nhiều gấp mấy lần ở Nhật. Đó là một hiện tượng dị thường! Một trong những vấn đề giáo dục mà nước ta đang đối mặt là số lượng tiến sĩ quá nhiều và tiêu chuẩn chất lượng đào tạo tiến sĩ quá thấp" (Báo Tiền phong ngày 19/11/2007). Tôi nhớ mãi cách đây nhiều năm, có một thầy dạy chúng tôi nói một câu hài hước khi chúng tôi hỏi về học sau đại học có khó không? Câu trả lời "các anh thi đỗ vào trường rồi thì chẳng khác gì có một tấm vé tàu đi Lào Cai, tối lên tàu, sớm mai là đến nơi". Thật sự đang diễn ra như vậy! Thật sự cũng không có ai "trượt" khi học sau đại học.

Có vài câu chuyện ngắn tôi muốn kể ra đây với các nhà quản lý về cách tuyển sinh học sau đại học mà tôi được biết:

Câu chuyện thứ nhất: Năm 1997, tôi có anh bạn cùng cơ quan cũ (là một cơ quan khá quan trọng của nhà nước ta về công tác tổ chức, nhân sự - Anh bạn tôi được phân công theo dõi ngành GD). Tôi được may mắn cùng đi thi nghiên cứu sinh với anh bạn ở một học viện lớn. Thế rồi, đến ngày thi anh bạn tôi bỏ cuộc vì với tấm bằng tại chức Đại học Văn hoá kia chắc cũng khó thi đỗ ở một học viện lớn như vậy. Thế nhưng chẳng hiểu sao, vài tháng sau anh bạn tôi thông báo đã bảo vệ xong Luận án tiến sĩ lớp ngắn hạn và đương nhiên sau đó được cấp bằng Tiến sĩ! Chúng tôi ai cũng ngạc nhiên, chỉ biết rằng đối với những người quen biết anh bạn tôi không dám đưa "tấm danh nhiếp" có in học vị Tiến sĩ. Và tất nhiên, đó cũng là cơ sở để anh bạn tôi được đề bạt lên làm lãnh đạo cấp Vụ của cơ quan nọ.

Câu chuyện thứ hai: Đó là chỉ tiêu tuyển sinh nghiên cứu sinh (NCS). Tôi có quen biết một người có chức vụ khá cao. Anh có cô con gái "rượu" đăng ký thi làm nghiên cứu sinh của một trường đại học lớn của nước ta. Chỉ tiêu NCS năm đó của trường chỉ được tuyển 30 người. Nhưng cô con gái anh với kết quả thi lại đứng "đội sổ" của số người thi NCS, tức là hơn gấp đôi chỉ tiêu năm ấy. Cũng tốn không ít giấy mực về chuyện này. Kết cục là tất cả những người thi NCS năm ấy đều đỗ, tất nhiên trong đó có cô con gái "rượu" của anh mà chỉ tiêu "30" không ai quan tâm tới nữa. Mọi người thì nói với nhau rằng trường giỏi thật. Chúng tôi thì nói với nhau: nay mai "nữ tiến sĩ ấy lại nhân danh và lên mặt nọ, kia" về tấm bằng đấy.

Câu chuyện thứ ba: Không ít người "phàn nàn" về việc được là thành viên hội đồng của các đề tài nghiên cứu khoa học, hội đồng bảo vệ  sau đại học đều chung một ý kiến nhận xét là chất lượng của những công trình nghiên cứu không "ổn". Tôi hỏi lại vậy tại sao vẫn đồng ý, có nhiều ý kiến để "biện minh"cho vấn đề này, nhưng cuối cùng ý kiến thật nhất cũng được thổ lộ  "nếu mình làm khó hoặc máy móc quá thì lần sau họ không mời mình !"...

Vậy nên, theo tôi nếu chỉ kêu gọi không chưa đủ. Nếu không có những giải pháp và biện pháp cụ thể kể cả phần đề cao "trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi" và hơn nữa là "tầm" của những người làm công tác quản lý để nâng cao chất lượng đúng nghĩa của những "Luận án tiến sĩ" thì vấn đề "bức xúc" của nhà quản lý và xã hội chắc khó trở thành hiện thực, "tiến sĩ giấy", vẫn được các em chơi ngày Tết Trung thu vẫn tồn tại với những ý nghĩa tiêu cực về nó./.

Thành Tâm