Dự án thành phần đoạn Nha Trang - Cam Lâm có 4 trạm thu phí là trạm Diên Khánh, trạm Suối Dầu, trạm Cam Lâm và trạm Cam Ranh. Toàn bộ các trạm thu phí trên tuyến được tổ chức thu phí theo mô hình đầu vào ETC đa làn tự do (không có barie), đầu ra ETC đơn làn (có barie), không có làn thu phí một dừng (MTC).
Tuyến Nha Trang - Cam Lâm bắt đầu thu phí từ 0h ngày 26/4/2024. Trong đó, thu phí kín nội tuyến từ ngày 26/4/2024 đến ngày 27/5/2024 và thu phí kín liên tuyến từ ngày 28/5/2024. Tính từ ngày 1/6/2024 đến hết ngày 30/6/2024 có hơn 230.000 lượt xe qua tuyến. Tổng doanh thu toàn tuyến đạt hơn 20 tỷ đồng.
Dự án thành phần đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo bắt đầu thu phí từ 0h ngày 28/5/2024. Tuyến có 4 trạm thu phí gồm: Trạm Du Long, trạm Phan Rang (2 nhánh), trạm cuối tuyến Km133+700 được tổ chức thu phí theo mô hình đầu vào không có barie, đầu ra có barie, không có làn MTC. Tính từ ngày 28/5/2024 đến hết ngày 28/6/2024 có gần 281.000 lượt xe qua tuyến. Tổng doanh thu toàn tuyến đạt hơn 50 tỷ đồng.
Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, việc triển khai thí điểm mô hình bỏ barie đầu vào tại 2 dự án cao tốc cho thấy còn gặp một số vướng mắc trong vận hành, phối hợp xử lý.
Theo đó, 3 tuyến cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm và Cam Lâm - Vĩnh Hảo được Bộ GTVT phê duyệt theo mô hình đầu vào trạm thu phí không có barie và cabin thu phí. Camera gắn trên giá long môn tự động đọc thẻ ETC để trừ tiền. Lối ra gồm 2 làn ETC và 1 cabin thu phí, barie tự động. Các tồn tại phổ biến gồm: phương tiện chưa có tài khoản giao thông, không đủ tiền trong tài khoản, có 2 tài khoản, không có thông tin đầu vào, không đọc được thẻ và phương tiện ghi nhận thông tin đầu vào.
Trong đó, 2 lỗi có tỷ lệ cao gồm: Phương tiện không có thông tin đầu vào (tuyến Cam Lâm - Vĩnh Hảo 0,36%, tuyến Nha Trang - Cam Lâm 0,39%); Phương tiện không đủ điều kiện (Cam Lâm - Vĩnh Hảo 0,94%; Nha Trang - Cam Lâm 0,80%).
Công ty TNHH Đầu tư đường cao tốc Nha Trang-Cam Lâm cho biết, trong quá trình thí điểm có 230 lượt xe chưa có tài khoản giao thông, gần 1.900 lượt xe không đủ tiền trong tài khoản, gần 60 lượt xe có 2 tài khoản. Bên cạnh đó, còn nhiều lỗi khác như: xe không đọc được thẻ, xe không ghi nhận thông tin đầu vào....
Được biết, nguyên nhân xảy ra các lỗi này là do mô hình thu phí mới, phát sinh các trường hợp không có trong kịch bản tính toán trước đó; công tác hậu kiểm, đối soát phải tăng cường để phối hợp xử lý liên tuyến do các phương tiện không đủ điều kiện đi vào tuyến và các phương tiện không có thông tin đầu vào.
Để khắc phục các lỗi còn tồn tại, Công ty TNHH đầu tư đường cao tốc Nha Trang - Cam Lâm cho rằng, cần đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện đối với phương tiện chưa dán thẻ, tài khoản giao dịch hết tiền. Các nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng cần xử lý dứt điểm các xe có 2 tài khoản tồn tại trên hệ thống. Nhà thầu cung cấp thiết bị cần đảm bảo độ chính xác của hệ thống ETC, hạn chế tối đa lỗi không đọc được thẻ.
Được biết, hiện các lỗi kỹ thuật của hệ thống thiết bị, phần mềm các đơn vị đã phối hợp chặt chẽ để xử lý, khắc phục kịp thời bảo đảm giao thông thông suốt trong quá trình triển khai thí điểm. Cục Đường bộ Việt Nâm cũng đã yêu cầu các đơn vị liên quan đánh giá hiệu năng vận hành (KPI) hệ thống thu phí ETC, làm cơ sở xem xét điều chỉnh giải pháp kỹ thuật, thiết bị để hoàn thiện mô hình thu phí. Việc đánh giá này cần thời gian là 30 ngày.
Sau khi các đơn vị vận hành thu phí hoàn thiện đánh giá, Cục Đường bộ sẽ hoàn thiện báo cáo đánh giá công tác thí điểm mô hình thiết kế hệ thống thu phí ETC đối với các dự án thành phần Nha Trang - Cam Lâm và Cam Lâm - Vĩnh Hảo.
Ngoài ra, theo Cục Đường bộ, với tỷ lệ phương tiện không có thông tin đầu vào còn cao, mô hình thí điểm cần được đánh giá các chỉ số hiệu năng vận hành, hoàn thiện giải pháp kỹ thuật, đánh giá sự cần thiết đầu tư lắp đặt giá long môn phân tách giữa các đoạn tuyến. Việc này nhằm bảo đảm hệ thống vận hành ổn định, phù hợp với thực tế triển khai khi kết nối thu phí kín liên tuyến làm cơ sở hoàn thiện mô hình thu phí đầu vào không có barie, đầu ra có barie, không có làn MTC áp dụng đại trà cho các đoạn tuyến cao tốc.
Dự kiến lộ trình triển khai hệ thống thu phí ETC của Bộ GTVT sẽ qua 3 giai đoạn: Giai đoạn 1, được thực hiện từ năm 2016 - 2023, các trạm thu phí vẫn có barie, tài khoản có đủ tiền, barie mới mở.
Giai đoạn 2 được thực hiện từ năm 2024 - 2025, không còn barie, phương tiện lưu thông đơn làn tự do qua trạm thu phí. Giai đoạn 3 từ năm 2026 trở đi, tại trạm thu phí chỉ còn duy trì giá long môn với thiết bị thu phí gắn bên trên, các phương tiện lưu thông đa làn tự do qua trạm thu phí.
Như vậy, mô hình của trạm thu phí dự án cao tốc đầu tư theo hình thức PPP Nha Trang - Cam Lâm và Cam Lâm - Vĩnh Hảo mới ở mức tiệm cận tới giai đoạn 2, khi bỏ barie ở lối vào nhưng vẫn duy trì để kiểm soát phương tiện ở đầu ra. Tại điểm nối tiếp giữa hai dự án cao tốc trên sẽ được lắp đặt giá long môn để phân tách doanh thu giữa các đoạn tuyến, phục phụ đối soát, hậu kiểm khi thu phí kín liên thông trên toàn tuyến cao tốc.
Phan Trang