In bài viết

Làm thử việc có được nghỉ phép?

(Chinhphu.vn) - Ông Ngô Nhật Trường (ngonhattruong78@...) ký hợp đồng thử việc tại 1 công ty từ tháng 1/2015 đến ngày 30/6/2015. Do công việc không thích hợp, ông đã làm đơn xin nghỉ việc sau khi hết hạn hợp đồng và được sự chấp thuận của Giám đốc công ty.

28/05/2015 09:02

Ông Trường hỏi, thời gian làm việc của ông từ tháng 1/2015 đến ngày 30/6/2015 có được tính ngày nghỉ hàng năm hưởng nguyên lương hay không? Nếu không, ông có được yêu cầu công ty thanh toán ngày nghỉ hàng năm (nghỉ phép) bằng tiền hay không?

Luật sư Lê Văn Đài, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời như sau:

Thời gian thử việc theo quy định

Điều 27 Bộ Luật lao động năm 2012 (BLLĐ) quy định: Thời gian thử việc căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc 1 lần đối với một công việc và bảo đảm các điều kiện sau đây:

- Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;

- Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn kỹ thuật trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ.

- Không quá 6 ngày làm việc đối với công việc khác.

Trường hợp người lao động làm không đủ năm

Theo khoản 2, Điều 6 Nghị định số 45/2013/NĐ-CP ngày 10/5/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của BLLĐ về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và an toàn lao động, vệ sinh lao động, thì thời gian thử việc theo hợp đồng lao động sau đó làm việc cho người sử dụng lao động được coi là thời gian làm việc của người lao động để tính số ngày nghỉ hằng năm.

Khoản 2 Điều 114 BLLĐ quy định: Người lao động có dưới 12 tháng làm việc thì thời gian nghỉ hằng năm được tính theo tỷ lệ tương ứng với số thời gian làm việc. Trường hợp không nghỉ thì được thanh toán bằng tiền.

Điều 7 Nghị định số 45/2013/NĐ-CP quy định: Số ngày nghỉ hằng năm theo khoản 2, Điều 114 BLLĐ được tính như sau: Lấy số ngày nghỉ hằng năm cộng với số ngày được nghỉ tăng thêm theo thâm niên (nếu có), chia cho 12 tháng, nhân với số tháng làm việc thực tế trong năm để tính thành số ngày được nghỉ hằng năm; kết quả phép tính lấy tròn số hàng đơn vị, nếu phần thập phân lớn hơn hoặc bằng 0,5 thì làm tròn lên 1 đơn vị.

Trường hợp ông Trường ký hợp đồng thử việc tại 1 công ty từ tháng 1/2015 đến ngày 30/6/2015. Đối chiếu quy định tại Điều 27 BLLĐ thì thời gian thử việc không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên; không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn kỹ thuật trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ và không quá 6 ngày làm việc đối với công việc khác. Như vậy hợp đồng thử việc mà công ty ký với ông Trường với thời gian 6 tháng (180 ngày) là có vi phạm về thời gian thử việc.

Theo đó, sau thời gian thử việc quy định tại Điều 27 BLLĐ, ông Trường đã có một thời gian làm việc cho công ty và là đối tượng áp dụng quy định tại khoản 2, Điều 6 Nghị định số 45/2013/NĐ-CP. Tổng thời gian thử việc và thời gian làm việc cho công ty tính từ tháng 1/2015 đến ngày 30/6/2015 là 6 tháng.

Căn cứ khoản 2, Điều 114 BLLĐ, quy định chi tiết tại Điều 7 Nghị định số 45/2013/NĐ-CP, số ngày nghỉ hằng năm (nghỉ phép năm) của ông Trường là số ngày nghỉ hằng năm ở điều kiện làm việc bình thường 12 ngày một năm, chia cho 12 tháng, nhân với 6 tháng làm việc thực tế trong năm 2015, bằng 6 ngày nghỉ phép hưởng nguyên lương.

Trường hợp ông Trường không nghỉ thì sẽ được công ty thanh toán 6 ngày nghỉ phép đó bằng tiền.

Luật sư Lê Văn Đài

VPLS Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội

* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.