Kết quả quan trắc, cảnh báo môi trường và theo dõi sức khỏe tôm hùm nuôi tại một số tỉnh trọng điểm khu vực Nam Trung Bộ 3 tháng đầu năm 2024 cho thấy: nhiệt độ nước trung bình tại các điểm quan trắc vùng nuôi tôm hùm là 28,8±1,5 độ C, cao hơn so với cùng kỳ năm 2023 là 2,9 độ C; một số thông số về môi trường như: NH4+-N, PO43--P; Vibrio spp. vượt giới hạn cho phép, chất lượng môi trường nước tiếp tục có xu hướng suy giảm.
Dự báo đến hết tháng 6/2024, một số thông số môi trường tiếp tục biến động bất lợi như: nhiệt độ nước, NH4+-N, mật độ vi khuẩn Vibrio spp. tăng cao rất dễ xảy ra hiện tượng phù dưỡng thuỷ vực, nguy cơ dẫn đến sự nở hoa của tảo, làm ôxy hoà tan giảm mạnh vào thời điểm nắng nóng gay gắt.
Từ tháng 9-12/2024, thông số COD và coliform cũng có nguy cơ tăng cao, đặc biệt các vùng chịu ảnh hưởng của nước ngọt (nước mưa) như Đông Điền, Vinh Quang (Bình Định), cầu Đà Nông, Xuân Thành (Phú Yên), Tân Thủy, Trí Nguyên (Khánh Hòa), Khánh Nhơn, Hòa Thạnh 1 (Ninh Thuận). Đây là những nguyên nhân ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của thuỷ sản nuôi trồng trên biển (bao gồm tôm hùm nuôi).
Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) vừa có văn bản đề nghị Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố Nam Trung Bộ chỉ đạo các đơn vị chức năng liên quan bám sát tình hình thực tế, hướng dẫn người nuôi trồng thủy sản trên biển ứng phó với nắng nóng.
Để nuôi trồng thuỷ sản trên biển nói chung và tôm hùm nuôi nói riêng phát triển tốt, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi do biến động của thời tiết, chất lượng môi trường vùng nuôi, Cục Thủy sản đề nghị Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố Nam Trung Bộ hướng dẫn, tuyên truyền, vận động người nuôi thực hiện đăng ký nuôi lồng bè theo điểm 14, Điều 1 "Sửa đổi bổ sung Điều 36", Nghị định 37/2024/NĐ-CP ngày 04/4/2024; tổ chức rà soát, bố trí lồng bè nuôi phù hợp, đúng quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt của địa phương.
Sở chủ động phối hợp với cơ quan chức năng, chuyên môn của địa phương thực hiện tốt công tác quan trắc, cảnh báo môi trường; tuân thủ các khuyến cáo tại các bản tin thông báo kết quả quan trắc môi trường của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thuỷ sản III và các hướng dẫn kỹ thuật. Đồng thời, làm tốt việc kiểm soát, phòng ngừa, giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm môi trường từ hoạt động nuôi tôm hùm lồng bè; tăng cường kiểm soát, phát hiện và xử lý các nguồn xả thải tại các vùng nuôi.
Về quản lý nuôi trồng thuỷ sản trên biển, các địa phương theo dõi sát thông tin thị trường để thu hoạch thuỷ sản thương phẩm vào thời điểm thích hợp. Cùng đó, tổ chức xây dựng chuỗi liên kết sản phẩm thuỷ sản chất lượng, an toàn, truy xuất được nguồn gốc. Địa phương có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, người nuôi để giảm giá thành, nâng cao hiệu quả, thúc đẩy tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Địa phương quản lý tốt chất lượng giống, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản; tổ chức thanh kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trong nuôi trồng thủy sản, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm (nếu có) và công khai kết quả xử lý theo quy định.
Với các cơ sở nuôi tôm hùm lồng, cơ quan chuyên môn hướng dẫn các yêu cầu kỹ thuật đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y và bảo vệ môi trường.
Trước hiện tượng tôm hùm bông bị chết tại huyện Vạn Ninh tỉnh Khánh Hoà đang xảy ra, Cục Thủy sản cho biết: Đây là vùng có nuôi có mật độ thả nuôi cao (>17 con/m2) với số lượng lồng nuôi lớn (khoảng 10.000 lồng). Nhận định nguyên nhân ban đầu do nắng nóng, mật độ lồng nuôi cao, lượng oxy hoà tan thấp làm suy giảm sức đề kháng trên tôm nuôi, là cơ hội cho tác nhân gây bệnh xâm nhập.
Để kịp thời xác định nguyên nhân và hạn chế thiệt hại cho người nuôi, Cục Thủy sản đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo các đơn vị chuyên môn sớm xác định nguyên nhân gây chết đối với tôm hùm bông. Đồng thời, hướng dẫn người nuôi thu gom toàn bộ xác tôm chết lên bờ xử lý không để ô nhiễm môi trường.
Người nuôi áp dụng các biện pháp phòng, trị bệnh trên tôm hùm bông và các đối tượng thủy sản nuôi khác. Vệ sinh, sát trùng toàn bộ lưới lồng, dụng cụ nuôi, treo túi vôi xung quanh lồng/bè (khoảng 2kg/túi) nhằm hạn chế mật độ Vibrio spp.; tạo điều kiện trao đổi nước giữa, trong và ngoài lồng nuôi. Thực hiện san thưa mật độ tôm hùm trong lồng nuôi phù hợp với từng kích cỡ; thường xuyên theo dõi môi trường nước (nhiệt độ, màu nước...) thu gom thức ăn dư thừa và theo dõi hoạt động của tôm nuôi để kịp thời phát hiện các dấu hiệu bất thường.
Người nuôi chủ động xây dựng có phương án khi có thời tiết chuyển mùa (tháng 4-6/2024) như che lưới trên bề mặt ô/lồng nuôi, hạ lồng đến mức nước phù hợp; dự phòng ôxy tươi nguyên chất phòng khi tôm hùm nuôi thiếu ôxy cục bộ.
Cục Thuỷ sản cũng đề nghị Cục Thú y hỗ trợ, hướng dẫn địa phương tìm tác nhân để xác định nguyên nhân gây ra tình trạng chết ở tôm hùm tại huyện Vạn Ninh tỉnh Khánh Hoà và hướng dẫn người nuôi áp dụng các biện pháp điều trị (nếu có). Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III phối hợp xác định nguyên nhân gây chết đối với tôm hùm tại huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa.
Đỗ Hương