Bà Diệu đề nghị doanh nghiệp không trừ lương mà trừ vào ngày phép năm của bà nhưng không được doanh nghiệp chấp nhận vì cho rằng bà Diệu phải làm đủ 12 tháng thì mới được nghỉ phép năm.
Bà Diệu hỏi, với thời gian làm việc từ ngày 12/11/2014 đến ngày 28/2/2015, bà được tính mấy ngày nghỉ phép năm và có được sử dụng ngày phép đó để nghỉ vào dịp Tết này không hay phải đợi đến đủ 12 tháng làm việc bà mới được nghỉ phép năm?
Luật sư Lê Văn Đài, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời bà Diệu như sau:
Theo điểm a, khoản 1 Điều 111 Bộ luật Lao động, người lao động có đủ 12 tháng làm việc cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường.
Khoản 2 Điều 114 Bộ luật này quy định, người lao động có dưới 12 tháng làm việc thì thời gian nghỉ hằng năm được tính theo tỷ lệ tương ứng với số thời gian làm việc. Trường hợp không nghỉ thì được thanh toán bằng tiền.
Điều 7 Nghị định số 45/2013/NĐ-CP quy định, số ngày nghỉ hằng năm theo Khoản 2 Điều 114 của Bộ luật Lao động được tính như sau: lấy số ngày nghỉ hằng năm cộng với số ngày được nghỉ tăng thêm theo thâm niên (nếu có), chia cho 12 tháng, nhân với số tháng làm việc thực tế trong năm để tính thành số ngày được nghỉ hằng năm; kết quả phép tính lấy tròn số hàng đơn vị, nếu phần thập phân lớn hơn hoặc bằng 0,5 thì làm tròn lên 1 đơn vị.
Theo khoản 2, Điều 6 Nghị định số 45/2013/NĐ-CP, thời gian thử việc theo hợp đồng lao động sau đó làm việc cho người sử dụng lao động được coi là thời gian làm việc của người lao động để tính số ngày nghỉ hằng năm.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Diệu có thời gian thử việc 2 tháng theo hợp đồng lao động kể từ ngày 12/11/2014, đến ngày 12/1/2015 bà đã giao kết hợp đồng lao động có thời hạn làm việc cho doanh nghiệp. Trong năm 2014, bà có 2 tháng thực tế làm việc cho doanh nghiệp là tháng 11 và tháng 12.
Áp dụng khoản 2 Điều 6, Điều 7 Nghị định số 45/2013/NĐ-CP, bà Diệu được nghỉ phép năm 2014 là 2 ngày. Bà Diệu có thể đề nghị với công ty giải quyết 2 ngày nghỉ phép năm 2014 được hưởng nguyên lương, để kết hợp với những ngày nghỉ tết Nguyên đán năm 2015.
Căn cứ khoản 3 Điều 111 Bộ luật Lao động, bà Diệu có thể thoả thuận với doanh nghiệp để nghỉ phép năm 2015 thành nhiều lần. Nếu được Công ty đồng ý giải quyết, thì bà có thể nghỉ thêm 1 ngày phép hưởng nguyên lương, tương ứng với thời gian đã làm việc của tháng 1/2015.
Luật sư Lê Văn Đài
VPLS Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội
* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.