Sau 8 ngày phẫu thuật, thị lực của bệnh nhân đã được cải thiện 1/10. Ảnh: Báo Lao động |
Cách đây 15 năm, sau một lần bị viêm loét giác mạc, chị Bùi Thị Hạnh (sinh năm 1972, ngụ tỉnh Bình Thuận), gần như mù mắt trái do giác mạc bị sẹo hóa. Suốt 15 năm sống trong cảnh gần như mù một mắt, cuộc sống của chị rất bất tiện.
Ngày 20/7, chị Hạnh đến BV Chợ Rẫy trong tình trạng đục thủy tinh thể, sẹo giác mạc toàn bộ. Ngày 24/7, chị được lên bàn mổ ghép giác mạc và lấy thủy tinh thể, đồng thời đặt thủy tinh thể nhân tạo. Hai tuần sau phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định, mắt trái bắt đầu nhìn thấy mọi vật xung quanh.
BS. Ngô Văn Hồng, Trưởng Khoa Mắt (BV Chợ Rẫy) cho TTXVN biết, phẫu thuật lấy thủy tinh thể cùng lúc trong phẫu thuật ghép giác mạc là kỹ thuật khó, vì khi đó nhãn cầu của bệnh nhân sẽ hở, chỉ cần một áp lực nào tác động từ bên trong ra hoặc từ ngoài vào sẽ khiến con mắt của bệnh nhân có thể văng ra ngoài. Do đó, trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ gây mê phải đảm bảo bệnh nhân mê hoàn toàn, còn phẫu thuật viên phải khéo léo, tỉ mỉ để không tác động lực lên mắt bệnh nhân.
Việc phẫu thuật phối hợp vừa ghép giác mạc, vừa lấy thủy tinh thể và đặt thủy tinh thể nhân tạo giúp bệnh nhân không phải trải qua nhiều cuộc phẫu thuật, sớm mang lại thị lực tốt nhất. Vì nếu chỉ ghép giác mạc không, sau này bệnh nhân buộc phải mổ đục thủy tinh thể, phẫu thuật lần 2 được thực hiện sau 6-12 tháng. Ngoài ra, nếu mổ lần 2 không khéo có thể làm tổn thương, vỡ mảnh ghép giác mạc đã ghép trước đó.
Ngoài chị Hạnh, một bệnh nhân khác ngụ tại TPHCM cũng được ghép giác mạc theo phương pháp phối hợp “2 trong 1”. Giác mạc được ghép cho 2 bệnh nhân này là từ một bệnh nhân ngừng tim hiến tặng trước đó.
Hiện nay, phẫu thuật ghép giác mạc là phương pháp duy nhất mang lại thị lực cho bệnh nhân, giúp giảm tỷ lệ mù lòa do bệnh lý sẹo giác mạc./.
BT