Đây cũng là lần đầu tiên việc lấy tạng được thực hiện tại một bệnh viện tuyến tỉnh. Người hiến tạng là một công dân sinh sống tại Quảng Ninh, bị chấn thương sọ não rất nặng sau tai nạn giao thông.
Ngay sau khi có kết luận chẩn đoán chết não sau 3 lần đánh giá của Hội đồng chẩn đoán chết não, đồng thời nhận được sự đồng thuận của gia đình bệnh nhân trong việc hiến tạng, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí đã khẩn trương xây dựng kế hoạch lấy đa mô tạng, hiệp đồng chặt chẽ với Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, các Trung tâm ghép tạng trên toàn quốc, để rà soát và lên danh sách bệnh nhân sẽ được ghép tạng.
Các tạng được hiến bao gồm: tim, gan, trong đó gan được chia tách gan phải và gan trái, 2 quả thận, 2 giác mạc. Sau khi lên kế hoạch chi tiết và chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị, bố trí nhân sự, nhất là đảm bảo thời gian bảo quản và phương án vận chuyển tạng tới nơi ghép, ca phẫu thuật lấy tạng đã được triển khai ngay trong đêm và rạng sáng 2/4, với sự tham gia của 120 y bác sỹ, điều dưỡng, kỹ thuật viên chia thành nhiều ekip, trong đó có 60 y bác sỹ đến từ các trung tâm ghép tạng của Việt Nam như Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Huế.
Sau 4 giờ phẫu thuật liên tục với sự tập trung cao độ và phối hợp nhịp nhàng, các ekip đã thành công lấy các tạng đúng như dự kiến và vận chuyển tới các đơn vị để ghép cho bệnh nhân.
Đến 5 giờ sáng 2/4, tất cả các tạng đã được lấy xong và được khẩn trương vận chuyển tới nơi ghép.
Cụ thể, có 6 người được ghép tạng: 1 bệnh nhân ghép giác mạc tại BV Trung ương Quân đội 108; 2 bệnh nhân được ghép gan và thận tại BV Việt Đức; 3 bệnh nhân được ghép tim, gan, thận ở BV Trung ương Huế.
Theo thông tin từ Trung tâm Điều phối tạng quốc gia, đến chiều 2/4, tất cả các tạng được lấy từ người hiến tạng trên đều đã được ghép, tưới máu tốt, các chỉ số sinh tồn trong giới hạn cho phép, mang lại hy vọng sống mới cho các bệnh nhân khác.
PGS.TS Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia nhấn mạnh, đây là một cột mốc quan trọng trong việc xây dựng, hình thành và mở rộng mạng lưới hiến tạng, ghép tạng trong toàn quốc.
Đồng thời, đây cũng là bài học kinh nghiệm cho tất cả các bệnh viện trong cả nước, bao gồm cả tuyến tỉnh, tuyến huyện, nơi điều trị và ghi nhận bệnh nhân chết não có thể hiến tạng.
"Từ mô hình của Bệnh viện Việt Nam Thụy - Điển Uông Bí, chúng ta có thể chia sẻ kinh nghiệm và lan tỏa tới các đơn vị khác, mở rộng hơn nữa mạng lưới hiến tạng, ghép tạng, gia tăng nguồn tạng hiến, giúp nhiều bệnh nhân có cơ hội được cứu sống", PGS Đồng Văn Hệ cho biết.
TS.BS Trần Anh Cường, Giám đốc Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí cho biết, để làm được điều này ngay tại tuyến cơ sở, Bệnh viện đã có sự chuẩn bị tích cực từ lâu, từ năng lực chuyên môn của đội ngũ y bác sỹ đến cơ sở vật chất của đơn vị.
Trong thời gian tới, Bệnh viện Việt Nam – Thuỵ Điển Uông Bí dự kiến xây dựng 7 mũi nhọn trong khám và điều trị, trong đó có ghép tạng. Hiện nay, Bệnh viện đã cử 40 y bác sỹ thuộc nhiều lĩnh vực đi học tập, tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật và kỳ vọng rằng trong tương lai gần, Bệnh viện sẽ triển khai ghép tạng ngay tại Quảng Ninh, TS.BS Trần Anh Cường chia sẻ.
NT