In bài viết

Lần đầu tiên trưng bày bản gốc tác phẩm ‘Đường Kách mệnh’

(Chinhphu.vn) - Nhân kỷ niệm 90 năm xuất bản ấn phẩm “Đường Kách mệnh” (1927-2017) của tác giả Nguyễn Ái Quốc, lần đầu tiên cuốn sách này được Bảo tàng Lịch sử quốc gia giới thiệu trong trưng bày đặc biệt mang tên “Ánh sáng từ Đường Kách mệnh” từ ngày 10/10.

02/10/2017 12:28

“Đường Kách mệnh” xuất bản năm 1927 ở Quảng Châu dưới dạng in thạch và những bản in đầu tiên của tác phẩm nổi tiếng này được bí mật chuyển về nước từ trước năm 1930. Cuốn “Đường Kách mệnh” hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia là một trong số ít những bản gốc in năm 1927.

Bản in gốc đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là “Bảo vật Quốc gia” đợt đầu tiên năm 2012.


Sách "Đường Kách mệnh" của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, xuất bản tại Quảng Châu (Trung Quốc), năm 1927. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử quốc gia

"Đường Kách mệnh" tập hợp các bài giảng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc dùng đào tạo đội ngũ cán bộ cho cách mạng Việt Nam những năm 1925-1927 ở Quảng Châu (Trung Quốc).

Đây là một trong những tác phẩm có giá trị to lớn về lý luận và thực tiễn cách mạng. Trong đó, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - người cộng sản Việt Nam đầu tiên đã trình bày những điều cốt lõi của học thuyết cách mạng Marx-Lenin và phương hướng phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam một cách dễ hiểu nhất. Tác phẩm đóng vai trò quan trọng trong việc truyền bá chủ nghĩa Marx-Lenin về Việt Nam cuối những năm 1920.

Một số trang của cuốn Đường Kách mệnh. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Ngoài cuốn “Đường Kách mệnh”, 150 tài liệu, hiện vật, hình ảnh quý cũng được Bảo tàng giới thiệu với công chúng trong dịp này.

Đôi lọ lục bình đựng tài liệu của Đảng, trong đó có cuốn “Đường Kách mệnh”chuyển từ nước ngoài về Hải Phòng bằng đường biển. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chiếc đồng hồ đồng chí Nguyễn Đức Cảnh dùng trong những năm 1928-1932. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chiếc tráp (hòm) đồng chí Hà Huy Tập sử dụng khi hoạt động cách mạng ở Vinh, Nghệ An, năm 1939. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chiếc đĩa sứ đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã dùng trong những năm 1936-1937. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Thanh Xuân