Theo Ban tổ chức Lễ hội cá tra, sự kiện này được tổ chức nhằm cổ vũ, động viên, ghi nhận sự đóng góp tích cực của ngành hàng cá tra trong nền kinh tế của địa phương và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, giới thiệu và tôn vinh hình ảnh, sản phẩm cá tra, ngành nghề truyền thống của địa phương, khẳng định giá trị, nguồn gốc xuất xứ và thương hiệu cá tra Việt Nam nói chung và Đồng Tháp nói riêng.
Đây cũng sẽ là sự kiện được tổ chức định kỳ ở địa phương nhằm giới thiệu, quảng bá thương hiệu cá tra Việt Nam đến du khách trong và ngoài nước. Cùng với lễ khai mạc và bế mạc, Lễ hội sẽ có những hoạt động chính: Hội nghị tổng kết ngành thuỷ sản năm 2022, hội nghị chuỗi nuôi trồng, chế biến, tiêu thụ, ký kết hợp tác; tọa đàm của ngành khuyến nông. Bên cạnh đó, còn tổ chức các tour Famtrip, Presstrip và Businesstrip tham quan các hoạt động nuôi trồng, sản xuất, chế biến cá tra, tổ chức Yến tiệc cá tra; hóa trang - diễu hành, thả "Ngư đăng", thả cá ra tự nhiên trên sông Hồng Ngự - Vĩnh Hưng.
Cùng với đó là triển lãm trưng bày các sản phẩm ngành hàng cá tra, không gian trưng bày, triển lãm và phát triển sản phẩm OCOP, sản phẩm tiềm năng của tỉnh, không gian văn hoá trưng bày những tác phẩm về cá tra, không gian cổ tích về cá tra, không gian văn nghệ "Bài ca con cá", không gian tuổi thơ, không gian biểu diễn ẩm thực các món Âu – Việt và không gian chế biến, phục vụ ẩm thực các món ăn từ cá tra, đặc sản của tỉnh.
Không chỉ gói gọn trong các hoạt động giải trí, Lễ hội còn là nơi tôn vinh những cá nhân, đơn vị, tổ chức có nhiều đóng góp cho sự phát triển của ngành hàng cá tra, hoạt động vì cộng đồng... Thông qua các hoạt động tại Lễ hội là cơ hội để các doanh nghiệp, đối tác gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ thông tin về thị trường trong và ngoài nước, kết nối cung cầu tiêu thụ nội địa và tìm kiếm các đối tác kinh doanh tiềm năng trong chuỗi ngành hàng.
VT