In bài viết

Lan tỏa phong trào xóa nhà dột, nhà tạm tại các địa phương

(Chinhphu.vn) – Lan tỏa phong trào xóa nhà dột, nhà tạm vừa giúp ổn định, cải thiện đời sống của người dân, vừa góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội. Nhiều địa phương với những đặc thù khác nhau đã tìm tòi, sáng tạo, có những cách làm mới, hay, hiệu quả cho công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát.

12/04/2024 08:38
Lan tỏa phong trào xóa nhà dột, nhà tạm tại các địa phương- Ảnh 1.

Những ngôi nhà khang trang, kiên cố từ chương trình xóa nhà dột, nhà tạm giúp người dân có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống

Nhiều cách làm mới, cách làm hay xóa nhà dột, nhà tạm

Nhìn lại công tác giảm nghèo nói chung, công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát nói riêng thời gian qua cho thấy, cùng với Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, các địa phương đã tích cực quan tâm vào cuộc. Lan tỏa phong trào xóa nhà dột, nhà tạm vừa góp phần ổn định, cải thiện đời sống của người dân, đóng góp cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước, vừa đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội. Nhiều địa phương với những đặc thù khác nhau, có những lý do khó thoát nghèo khác nhau, đã tìm tòi, sáng tạo, có những cách làm mới, hay, hiệu quả cho công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát…

Xác định việc xóa nhà tạm, nhà dột nát là tiêu chí quan trọng để giảm nghèo bền vững và thực hiện tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Trong những năm qua, tỉnh Cao Bằng luôn quan tâm, kịp thời triển khai, đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chương trình giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới. Trên địa bàn toàn tỉnh đã hỗ trợ về nhà ở cho 3.656/16.049 hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách (đạt tỉ lệ 22,78%).

Trong quá trình thực hiện đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo được triển khai, nhân rộng như: giao lực lượng công an làm nòng cốt bám sát địa bàn, hỗ trợ trực tiếp đến từng hộ dân. Ngoài kinh phí hỗ trợ của chương trình, các huyện, thành phố đã vận động, huy động thêm kinh phí, nguyên vật liệu, ngày công lao động hỗ trợ các hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, già cả, neo đơn không nơi nương tựa; hướng dẫn, vận động các hộ gia đình xây dựng nhà ở kết hợp thực hiện "nhà tắm, tiêu hợp vệ sinh", di dời gia súc ra khỏi sàn nhà...

Còn tại Tuyên Quang, phong trào xóa nhà dột, nhà tạm đã được triển khai hiệu quả tại xã Minh Hương - một xã vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn của huyện Hàm Yên.

Xã Minh Hương có 20 thôn với trên 2.300 hộ, trên 10.400 khẩu, trong đó số hộ nghèo 652 hộ, chiếm 27,38%, một bộ phận bà con có trình độ dân trí thấp và không đồng đều, nhiều người dân còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước, khiến công tác xóa đói, giảm nghèo còn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong công tác xóa nhà tạm.

Trên cơ sở Đề án xóa nhà tạm, dột nát cho hộ nghèo giai đoạn 2021-2025 của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, Ban Chấp hành Đảng bộ xã xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về xóa nhà tạm, dột nát cho hộ nghèo giai đoạn 2021-2025, ban hành Nghị quyết lãnh đạo xây dựng xã Minh Hương đạt chuẩn nông thôn mới.

Để cụ thể hóa các văn bản của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc xã đã ban hành Kế hoạch xóa nhà tạm, dột nát cho hộ nghèo trên địa bàn xã giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch hằng năm, thành lập Ban chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban chỉ đạo phụ trách các thôn. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương của Đảng, chính sách của nhà nước về hỗ trợ xóa nhà tạm, dột nát cho hộ nghèo đến đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên, các tổ chức đoàn thể, các thôn và nhân dân, từ đó tạo được sự ủng hộ, đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân.

Lan tỏa phong trào xóa nhà dột, nhà tạm tại các địa phương- Ảnh 2.

Những ngôi nhà của tình đoàn kết với sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, dòng họ, bà con trong làng, xã

Nhiều giải pháp cụ thể, chi tiết đã được triển khai, các cấp đã chỉ đạo công tác rà soát các hộ nghèo đang ở nhà tạm, dột nát cần được hỗ trợ về nhà ở, trên cơ sở số lượng được cấp trên phân bổ, xã chỉ đạo các thôn tổ chức bình xét theo thứ tự ưu tiên. Từ đó, tập trung huy động các nguồn vốn của các tổ chức và nguồn vốn lồng ghép thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. Đồng thời huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị giúp đỡ ngày công hỗ trợ hộ nghèo làm mới nhà ở.

Kết quả giai đoạn 2021-2023: Xã Minh Hương đã thực hiện hỗ trợ xóa nhà tạm cho 249 hộ nghèo, với tổng kinh phí trên 18 tỷ đồng, trong đó kinh phí hỗ trợ từ các nguồn trên 13 tỷ đồng, vốn huy động trong gia đình, dòng họ, nhân dân, tập thể, cá nhân trong xã (bằng tiền, vật liệu, ngày công) là trên 5 tỷ đồng.

Những ngôi nhà xây dựng bằng tình đoàn kết

Bắc Giang cũng là địa phương triển khai hiệu quả công tác xóa nhà dột, nhà tạm. Năm 2022-2023, tỉnh Bắc Giang xây dựng hơn 3.000 ngôi nhà từ chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, giúp các hộ nghèo, gia đình chính sách có căn nhà mới khang trang, ổn định cuộc sống. Năm 2024, tỉnh Bắc Giang đề ra chỉ tiêu xóa 100% nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hỗ trợ 100% gia đình người có công gặp khó khăn về nhà ở, nhà xuống cấp cần được sửa chữa, xây mới trên địa bàn tỉnh.

Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Trần Công Thắng, việc chăm lo cho người nghèo vừa là trách nhiệm, vừa là nghĩa vụ. Do đó, để thực hiện tốt "3 an" (an ninh, an sinh, an toàn), tỉnh thống nhất quan điểm: "Phải làm cho mỗi ngôi nhà của hộ nghèo, hộ cận nghèo và gia đình người có công được xây dựng không chỉ bằng gạch đá, xi măng, sắt thép mà còn được xây dựng bằng tinh thần đoàn kết, bằng truyền thống tương thân tương ái, bằng tình cảm và tấm lòng của toàn xã hội".

Chính vì vậy, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ các cấp phải quan tâm nhiều hơn, tập trung nâng cao chất lượng, nâng mức hỗ trợ cho các hộ gia đình để có thêm kinh phí, có điều kiện xây những ngôi nhà khang trang, thoải mái và ấm áp.

Lan tỏa phong trào xóa nhà dột, nhà tạm tại các địa phương- Ảnh 3.

Các lực lượng hỗ trợ người dân chuyển sang ngôi nhà kiên cố, khang trang hơn

Chương trình vận động, hỗ trợ được triển khai đến từng hộ gia đình; bảo đảm dân chủ, công khai, công bằng và minh bạch, đúng quy định; phù hợp với phong tục, tập quán và điều kiện thực tiễn và gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương.

Từ đó, hỗ trợ trực tiếp đến từng hộ gia đình để xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà ở, cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tự tổ chức xây dựng nhà ở; hộ gia đình được hỗ trợ nhà ở, được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

Thông tin về kết quả triển khai đề án vận động hỗ trợ làm nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo tỉnh Điện Biên hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Lò Văn Mừng, Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Điện Biên cho biết, với đề án xóa 5.000 căn nhà cho hộ nghèo, cận nghèo tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, đến nay, sau 9 tháng đã hoàn thành 100% mục tiêu dù quá trình triển khai thực hiện khó khăn do địa hình, vận chuyển vật liệu khó khăn.

"Triển khai Đề án, tỉnh Điện Biên đã rất nhanh chóng rà soát số lượng nhà cần hỗ trợ với phương châm nhà nước hỗ trợ, nhân dân cùng làm và người dân được tự quyết định mẫu nhà phù hợp với truyền thống của mình với hỗ trợ tối thiểu 50 triệu/căn. Chính bởi vậy Đề án nhận được sự đồng thuận, nên làm rất nhanh, trong khoảng 9 tháng đã hoàn tất 5.000 căn nhà với số vốn cần huy động là 250 tỷ đồng", ông Lò Văn Mừng cho biết.

Chia sẻ kinh nghiệm của địa phương, ông Lê Văn Bình, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Thuận cho biết, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Thuận đã tham mưu Tỉnh ủy xây dựng Đề án "Xây dựng nhà ở cho hộ nghèo và hộ cận nghèo tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2023-2025" và đề ra mục tiêu đây là công trình chào mừng Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp, nhiệm kỳ 2024-2029.

Từ thực tế tỉnh Ninh Thuận còn 21.000 hộ nghèo và hộ cận nghèo, trong đó có 1.600 hộ chưa có nhà ở hoặc nhà tạm bợ, ông Lê Văn Bình cho biết, mục tiêu đề án đến năm 2025 hoàn thành hỗ trợ xây dựng 1.243 căn nhà (có 400 hộ không có đất làm nhà sẽ được tỉnh hỗ trợ về đất ở và kinh phí xây dựng).

Lộ trình thực hiện trong năm 2023 là 243 căn, năm 2024 triển khai 500 căn, năm 2025 triển khai 500 căn. Nguồn kinh phí xây mỗi căn nhà tối thiểu 100 triệu đồng; trong đó, nguồn vận động xã hội hóa và nguồn ngân sách tỉnh 70 triệu đồng, số còn lại huy động từ gia đình, bà con, dòng họ, cộng đồng.

Thu Cúc