In bài viết

Lan toả sâu rộng giá trị của tác phẩm 'Nhật ký trong tù'

(Chinhphu.vn) – Thiết thực kỷ niệm 78 năm Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9; kỷ niệm tròn 80 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm bất hủ "Nhật ký trong tù", chiều 18/8, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề 80 năm "Nhật ký trong tù" - Những giá trị bền vững, sức lan tỏa sâu rộng.

18/08/2023 16:47
Giá trị bền vững, sức lan tỏa sâu rộng của tác phẩm "Nhật ký trong tù" - Ảnh 1.

Hội thảo khoa học với chủ đề 80 năm "Nhật ký trong tù" - Những giá trị bền vững, sức lan tỏa sâu rộng - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Tham dự Hội thảo có Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; các thành viên Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương; các nhà khoa học thuộc lĩnh vực lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật…

"Nhật ký trong tù" là tác phẩm có giá trị văn hóa, nghệ thuật độc đáo, đặc sắc, làm phong phú thêm di sản văn hóa và cách mạng cao quý của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất; góp phần quan trọng vào kho tàng di sản văn hóa, tinh thần của dân tộc ta, nhân dân ta.

Với những giá trị to lớn và bền vững đó, ngày 1/10/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định công nhận và tôn vinh tác phẩm "Nhật ký trong tù" là Bảo vật quốc gia.

Tác phẩm "Nhật ký trong tù" có nhiều giá trị to lớn, có sức lan tỏa sâu rộng trong nước và trên thế giới. Từ năm 1960, tập "Ngục trung nhật ký" đã được chuyển từ tiếng Hán sang tiếng Việt và sau đó được dịch ra tiếng Nga, tiếng Ba Lan, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung, tiếng Đan Mạch, tiếng Đức... Cho đến nay tác phẩm đã được dịch ra gần 40 thứ tiếng, được đông đảo người đọc trên thế giới đón nhận nồng nhiệt.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung phân tích, đánh giá về sự ra đời, sức sống và giá trị lớn lao, sức lan toả, tầm ảnh hưởng sâu rộng của tác phẩm, không chỉ ở trong nước mà còn ở nhiều nước trên thế giới; quá trình chuyển ngữ "Ngục trung nhật ký" từ Hán ngữ sang Việt ngữ và từ Việt ngữ sang các ngôn ngữ các dân tộc trên thế giới; hành trình lan tỏa sâu rộng của "Nhật ký trong tù" ở giới nghiên cứu cũng như bạn đọc trong nước và thế giới.

Đồng thời, phân tích những giá trị tư tưởng, tầm cao trí tuệ, nghị lực phi thường của Chủ tịch Hồ Chí Minh; những giá trị nhân văn cao cả, vẻ đẹp tâm hồn, niềm lạc quan cách mạng của người chiến sĩ cộng sản trong hoàn cảnh lao tù khổ ải; những giá trị nghệ thuật độc đáo của tập thơ "Nhật kỳ trong tù".

Các đại biểu cũng đề xuất nhiều giải pháp để phát huy tốt nhất giá trị độc đáo, đặc sắc của tác phẩm "Nhật ký trong tù" ở môi trường giáo dục nhà trường; trong giáo dục tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống cho con người; trong đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh… cũng như đề xuất những giải pháp phù hợp với thời đại công nghiệp 4.0 nhằm lan toả sâu rộng giá trị của tác phẩm "Nhật ký trong tù" tới công chúng trong nước, kiều bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế.

Nguyễn Hoàng