Báo cáo cũng dẫn ra con số 17,47 triệu lao động đang làm việc ở khu vực phi chính thức với thu nhập thấp và không ổn định (chiếm tỉ lệ 56,4%); tỷ lệ này ở nông thôn cao hơn thành phố (tới 64,1%).
Báo cáo của Tổng cục Thống kê đã không đưa ra con số về số lượng người lao động thiếu việc làm, nhưng trong báo cáo của Chính phủ đã nhận định "số người thiếu việc làm và việc làm không ổn định còn nhiều".
Không chỉ thất nghiệp mà cả tình trạng thiếu việc làm (hay như cách nói của thế giới là bán thất nghiệp) đang là một trong những vấn đề lớn của nền kinh tế, của mỗi gia đình, nhất là các gia đình nghèo ở khu vực nông nghiệp, nông thôn - nơi có tới 70% dân số đang sinh sống.
Để giải tỏa được áp lực này, nền kinh tế cần phải tạo ra được hàng chục triệu chỗ làm việc mới trong thời gian 5-10 năm tới, vì vậy, phải xác định nhiệm vụ tạo việc làm mới - việc làm đàng hoàng cho người lao động, là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hằng năm và 5 năm.
Xét về tầm mức ảnh hưởng tới phát triển kinh tế-xã hội và ổn định chính trị, nhiệm vụ này thậm chí còn quan trọng hơn cả nhiệm vụ tăng trưởng GDP, hay tăng thu ngân sách của cả nước và ở mỗi địa phương.
Nhưng ai sẽ là chủ thể tạo việc làm cho nền kinh tế?
Nhà nước (bao gồm cả khu vực hành chính sự nghiệp và doanh nghiệp Nhà nước) đang trong quá trình cải cách, tinh giản biên chế và tái cấu trúc, khó có khả năng tạo thêm việc làm cho xã hội. Khu vực đầu tư nước ngoài có khả năng tạo việc làm trong một số lĩnh vực, nhưng không bền vững.
Do đó, "cỗ máy" tạo việc làm lớn nhất chính là khu vực kinh tế tư nhân trong nước.
Điều này đúng với Việt Nam và đúng với mọi nền kinh tế thị trường. Do vậy, phát triển khu vực kinh tế tư nhân trong nước lớn mạnh để tạo việc làm cho người dân và thúc đẩy tăng trưởng, để có được một Việt Nam phát triển và tự chủ là yêu cầu sống còn của nền kinh tế.
Để thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân trong nước, chúng ta cần xây dựng một hệ sinh thái thuận lợi cho khởi nghiệp và một chương trình quốc gia về phát triển doanh nghiệp với mục tiêu có được ít nhất 1,5 đến 2 triệu doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả vào năm 2020.
Nếu tính bình quân 1 doanh nghiệp có thể tạo ra 20 chỗ làm việc cho nền kinh tế, thì với 1,5-2 triệu doanh nghiệp, chúng ta có thể tạo ra 30-40 triệu việc làm bền vững trên đất nước này.
Vì vậy, kế hoạch 5 năm (2016-2020) nên là kế hoạch 5 năm khởi nghiệp quốc gia - 5 năm cả nước tập trung sức phát triển doanh nghiệp.
Nhiệm vụ của Nhà nước trong kế hoạch 5 năm khởi nghiệp quốc gia là xây dựng và thực hiện chương trình hành động đáp ứng được yêu cầu mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII đã khẳng định dứt khoát: “Đến năm 2020, phấn đấu cơ bản hoàn thiện đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, theo các tiêu chuẩn phổ biến của nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế” và “tạo mọi điều thuận lợi phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân để tạo động lực nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế”.
Một trong những nội dung quan trọng của chương trình hành động này là phải xác định thật rõ lộ trình và các chỉ tiêu định lượng phải đạt được trong cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, bảo đảm chất lượng thể chế của Việt Nam không thua kém các nước tiên tiến trong ASEAN và các nước láng giềng trong vòng 5 năm tới.
Trên thực tế, với quyết định đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như TPP, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU, chúng ta đã quyết tâm hướng tới cải cách.
Ở trong nước, các Nghị quyết 19 của Chính phủ (trong hai năm 2014, 2015) cũng đã đề ra chương trình cải cách theo hướng này và đã có những thành công bước đầu, nhưng chưa đồng đều.
Nhiều vị tư lệnh ngành và người đứng đầu một số địa phương đã không triển khai nghiêm túc chương trình hành động. Sức nóng và sự thôi thúc của công cuộc cải cách đối với nhiều vấn đề hệ trọng của đất nước đã chưa ra được khỏi phòng họp Chính phủ và khuôn viên của Văn phòng Chính phủ.
Để khắc phục tình trạng này, đề nghị Chính phủ nhiệm kỳ mới, trên cơ sở sơ kết tình hình thực hiện Nghị quyết 19, cập nhật nội dung và xây dựng chương trình hành động tổng thể cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực canh tranh quốc gia cho cả nhiệm kỳ 5 năm (2016-2020) trình Quốc hội, bảo đảm tạo lập được một môi trường cạnh tranh bình đẳng, cắt giảm mạnh, cắt giảm ngay các chi phí và thủ tục hành chính đang đè nặng lên người dân và doanh nghiệp, tạo luồng sinh khí, giải phóng sức dân, phát triển doanh nghiệp.
Đây là thời điểm thích hợp để Quốc hội có thể xem xét, ra một nghị quyết về một chương trình hành động cải cách thể chế như thế, để bảo đảm tính đồng bộ và khả năng thực thi cao hơn, đồng thời tăng cường vai trò giám sát và thúc đẩy cải cách thể chế của Quốc hội.
Nếu làm được điều này, Quốc hội sẽ chung tay với Chính phủ trong việc đẩy mạnh cải cách, tạo làn sóng cải cách thể chế lần thứ 2 mà đặc trưng cơ bản nhất là vươn tới các chuẩn mực quốc tế, đáp ứng được yêu cầu và đòi hỏi chính đáng của người dân và doanh nghiệp.
Tại buổi công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2015, một trong những điểm cải thiện đáng ghi nhận là thời gian chờ đăng ký và cấp giấy đăng ký doanh nghiệp đã được rút ngắn ở mức kỉ lục trong vòng 11 năm điều tra PCI. Hiện nay, kể cả thời gian chuẩn bị hồ sơ và đi lại, một doanh nghiệp trung bình chỉ mất 8 ngày để có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong tay, thay vì 10-12 ngày như trước. Nhưng các doanh nghiệp ở địa phương đánh giá chi phí không chính thức có xu hướng hướng gia tăng. Đặc biệt, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có cảm nhận tiêu cực hơn các doanh nghiệp lớn trên một số lĩnh vực như tiếp cận đất đai, tính minh bạch, cạnh tranh bình đẳng và hỗ trợ doanh nghiệp. |
TS.Vũ Tiến Lộc
(Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam-VCCI)