In bài viết

Lan tỏa thông điệp xóa bỏ định kiến giới đến với phụ nữ các dân tộc Lai Châu

(Chinhphu.vn) - Những năm qua, Lai Châu đã đạt được những kết quả tích cực trong thực hiện Luật Bình đẳng giới. Vị trí, vai trò của người phụ nữ trong gia đình và xã hội được cải thiện, cùng với đó, các hành vi bạo lực, xâm hại, xúc phạm nhân phẩm phụ nữ có xu hướng giảm, tập tục lạc hậu từng bước được đẩy lùi.

12/08/2024 16:22
Lan tỏa thông điệp xóa bỏ định kiến giới đến với phụ nữ các dân tộc Lai Châu- Ảnh 1.

Vị trí, vai trò của người phụ nữ Lai Châu trong gia đình và xã hội được cải thiện - Ảnh: VGP/Tuấn Anh

Thực hiện bình đẳng giới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Lai Châu có 20 dân tộc cùng sinh sống, với hơn 84% đồng bào dân tộc thiểu số. Xác định công tác phụ nữ là nhiệm vụ chính trị quan trọng, Lai Châu chỉ đạo các cấp, ngành triển khai thực hiện Luật Bình đẳng giới, cũng như các chỉ thị của Trung ương nhằm phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Các cấp, ngành, địa phương có nhiều giải pháp triển khai thực hiện Luật Bình đẳng giới và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới trên mọi lĩnh vực của đời sống.

Để từng bước rút ngắn khoảng cách giới, nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lai Châu đẩy mạnh truyền thông, nâng cao kiến thức về bình đẳng giới; tăng cơ hội cho phụ nữ tiếp cận nguồn lực xã hội; duy trì, nhân rộng một số mô hình tiêu biểu về bình đẳng giới. Trong đó, chú trọng hướng đến khu vực biên giới, nhóm đối tượng phụ nữ đặc thù, yếu thế, phụ nữ dân tộc thiểu số.

Hội LHPN tỉnh Lai Châu cho biết, cụ thể hóa chỉ thị, kế hoạch của Trung ương cũng như của Tỉnh ủy Lai Châu, Hội đã tổ chức triển khai cho hội liên hiệp phụ nữ 8 huyện, thành phố, các đơn vị trực thuộc và cơ sở hội, đồng thời chỉ đạo các cấp hội đẩy mạnh hoạt động nâng cao kiến thức, năng lực của cán bộ, hội viên, phụ nữ về bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ; phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; trang bị kiến thức, kỹ năng ứng xử trong gia đình gắn với bình đẳng giới.

Hội quan tâm thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ phụ nữ ở vùng cao, vùng sâu, biên giới, nhất là phụ nữ người dân tộc thiểu số, phụ nữ khuyết tật, đơn thân, cao tuổi, phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ, lao động nữ di cư, chuyển đổi nghề. Hội cũng triển khai hiệu quả các đề án của Chính phủ, như "Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số", "Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017-2027", "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi…

Từ năm 2018 đến nay, Lai Châu hỗ trợ cho 8.593 lượt đối tượng khuyết tật nữ, giải quyết việc làm cho 23.027 lao động nữ, góp phần giảm nghèo, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân nói chung và phụ nữ nói riêng trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng đội ngũ nữ lãnh đạo quản lý, nữ trí thức. Cán bộ nữ được bổ nhiệm, bầu giữ các chức danh lãnh đạo chủ chốt các cấp ngày càng tăng, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh.

Lan tỏa thông điệp xóa bỏ định kiến giới đến với phụ nữ các dân tộc Lai Châu- Ảnh 2.

Từ các phong trào hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, khởi nghiệp, Lai Châu xuất hiện nhiều gương phụ nữ dám nghĩ, dám làm vươn lên phát triển kinh tế - Ảnh: VGP/Tuấn Anh

Phụ nữ vươn lên làm kinh tế giỏi, khẳng định bản thân

Không chỉ quan tâm đến việc bảo vệ quyền của người phụ nữ, các cấp hội LHPN tỉnh Lai Châu còn chú trọng đến việc vận động chị em phát huy tiềm năng, sức sáng tạo và thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ.

Những năm qua, phong trào "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc" đã lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, hội viên phụ nữ tại nhiều địa phương. Qua phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương phụ nữ điển hình làm kinh tế giỏi, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, hạnh phúc.

Xuất thân từ gia đình thuần nông tại tỉnh Thái Bình, năm 2008, bà Nguyễn Thị Chinh (ở khu 5, thị trấn Sìn Hồ) lên Sìn Hồ lập nghiệp. Mong muốn phát triển thêm về kinh tế gia đình, năm 2012 bà bắt đầu thuê thêm đất trồng rau sạch.

Trong quá trình đầu tư để phát triển kinh tế, gia đình bà cũng gặp nhiều khó khăn, như thiếu vốn, kinh nghiệm, đầu ra cho sản phẩm... Tuy nhiên, với bản tính cần cù, chịu thương, chịu khó, nỗ lực vươn lên làm giàu, cùng với sự động viên, giúp đỡ của chị em phụ nữ trong chi hội phụ nữ, bà Chinh quyết định xây dựng mô hình nông sản hữu cơ vào năm 2020.

Đến nay, mô hình của bà được mở rộng trên 5.000 m2 với đầy đủ các loại rau phục vụ cho các nhà hàng và người dân trên địa bàn. Việc kinh doanh và phát triển mô hình trang trại tổng hợp đã đem về thu nhập bình quân hàng năm cho gia đình bà trên 500 triệu đồng.

Không chỉ phát triển kinh tế hộ gia đình, bà Chinh còn tạo điều kiện cho 8 chị em hội viên phụ nữ trong chi hội có cơ hội việc làm với mức thu nhập ổn định 6 triệu đồng/người/tháng. Cùng với đó, bà cũng không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm, vận động chị em hội viên cùng nhau xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả.

Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Sìn Hồ cho biết: "Hội LHPN thị trấn đã chú trọng giúp hội viên phụ nữ phát triển các mô hình kinh tế, nhờ vậy, nhiều chị em đã có thu nhập ổn định, giúp cải thiện đời sống. Thời gian tới, Hội sẽ nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả để giúp hội viên vươn lên thoát nghèo, góp phần xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng và hạnh phúc".

Từng có cuộc sống rất khó khăn do thiếu kinh nghiệm sản xuất, tham gia sinh hoạt tại Chi hội phụ nữ bản Phúc Khoa (xã Phúc Khoa, huyện Tân Uyên), chị Lương Thị Phượng học hỏi nhiều kiến thức xã hội cũng như được vay vốn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả. Đặc biệt, chị mạnh dạn tham gia đăng ký và thực hiện thành công mô hình "Nhà sạch - vườn đẹp".

Chị Phượng chỉ là một trong nhiều hội viên, phụ nữ của Hội LHPN huyện Tân Uyên được hỗ trợ, giúp đỡ vươn lên làm kinh tế giỏi cũng như khẳng định bản thân. Riêng năm 2022, toàn huyện có 44 nhóm tiết kiệm với tổng dư nợ trên 2,5 tỷ đồng. Hoạt động này góp phần hỗ trợ phụ nữ nâng cao quyền năng kinh tế; thực hiện có hiệu quả Đề án 939 của Thủ tướng Chính phủ "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp" trên địa bàn huyện.

Từ các phong trào hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, khởi nghiệp, Lai Châu xuất hiện nhiều gương phụ nữ dám nghĩ, dám làm vươn lên phát triển kinh tế. Hiện Lai Châu có 14 hợp tác xã, 6 tổ hợp tác có phụ nữ tham gia quản lý; hỗ trợ 131 phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp; toàn tỉnh có 18 chủ thể có sản phẩm OCOP là nữ làm chủ.

Ngoài ra, những gương phụ nữ thành công trong việc phát triển kinh tế và khởi nghiệp đã mở đường cho những thay đổi tích cực trong cộng đồng. Nhiều phụ nữ ở vùng biên giới, nơi khó khăn và bất bình đẳng còn nhiều, đã dám nghĩ, dám làm và thành công trong việc vươn lên thoát nghèo, làm chủ kinh tế gia đình.

Gần 100 thí sinh dự thi xóa bỏ định kiến giới

Lan tỏa thông điệp xóa bỏ định kiến giới đến với phụ nữ các dân tộc Lai Châu- Ảnh 3.

Phần thi của các thí sinh đến từ huyện Tam Đường - Ảnh: baolaichau.vn

"Hội thi các mô hình sáng tạo và hiệu quả trong xóa bỏ định kiến giới về phát huy tập tục văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số năm 2024" vừa được Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Lai Châu tổ chức ngày 9/8 nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng của thành viên tổ truyền thông cộng đồng, hội viên, phụ nữ dân tộc thiểu số về xóa bỏ định kiến giới, khuôn mẫu giới.

Thông qua hội thi, Ban Tổ chức mong muốn xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em liên quan đến vấn đề bạo lực, xâm hại, phòng ngừa mua bán phụ nữ trẻ em, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em.

Đây cũng là dịp để các hội viên giao lưu học hỏi chia sẻ kinh nghiệm về cách thức, giải pháp hiệu quả trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tại cơ sở giữa các tổ truyền thông cộng đồng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động tuyên truyền, vận động phụ nữ dân tộc thiểu số phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, xóa bỏ những tập tục lạc hậu, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ và thúc đẩy bình đẳng giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

Hội thi có 8 đoàn với gần 100 diễn viên không chuyên là ủy viên ban chấp hành hội liên hiệp phụ nữ xã, thành viên các mô hình, tổ, nhóm truyền thông cộng đồng tại các bản đặc biệt khó khăn tại Lai Châu. Các đội trải qua 3 phần thi: Chào hỏi, sân khấu hóa truyền thông và trình diễn trang phục dân tộc.

Kết quả, Ban Tổ chức đã trao 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba và 2 giải khuyến khích cho các đoàn đạt giải. Trong đó, giải nhất thuộc về đoàn huyện Tam Đường, giải nhì thuộc về đoàn huyện Phong Thổ, Than Uyên và giải ba thuộc về đoàn huyện Tân Uyên, Nậm Nhùn, Mường Tè.

Ngoài ra, Ban Tổ chức còn trao giải phụ cho phần thi chào hỏi ấn tượng nhất, phần thi sân khấu hoá truyền thông xử lý tình huống hiệu quả nhất và màn trình diễn trang phục dân tộc đẹp nhất.

HA