Nhiều làng nghề khôi phục sản xuất trở lại. Ảnh: VGP/Diệu Anh |
Nếu như trước kia, bước chân đến làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh với 2 sắc màu đỏ và nâu của chân hương và thân hương được phơi khắp đường làng, thì gần đây hình ảnh đó không còn. Sở dĩ vậy là do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nên mọi hoạt động sản xuất của bà con làng nghề này hoàn toàn bị đình trệ.
Sau khi TP. Hà Nội cho phép nới lỏng một số hoạt động thì các cơ sở sản xuất tăm hương đã bắt đầu sản xuất trở lại. Cơ sở sản xuất của chị Nguyễn Thị Bình hiện có 8 công nhân làm việc. Trước khi vào làm việc, các công nhân đều phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 như đeo khẩu trang, đo thân nhiệt và sát khuẩn tay. “Các công nhân ở đây hầu hết đều là bà con trong làng và đã được tiêm vaccine mũi 1 để phòng dịch COVID-19. Việc trở lại sản xuất không chỉ đem lại niềm vui cho công nhân mà còn giúp họ có thu nhập để trang trải cuộc sống”, chị Bình nói.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hữu Nhất, Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa cho biết, hiện xã Quảng Phú Cầu có 6 thôn đều là các làng nghề, công nhân trong các xưởng sản xuất này chủ yếu là người trong làng nên việc quản lý không gặp nhiều khó khăn.
“Sau khi được hoạt động trở lại, các hộ sản xuất ở xã đã chủ động có phương án phòng dịch, bảo đảm yêu cầu của Bộ Y tế. Đối với các xưởng khi bắt đầu sản xuất lại đều phải ký cam kết với UBND xã về các phương pháp phòng chống dịch và lên phương án sản xuất gửi UBND xã phê duyệt”, ông Nhất cho biết.
Cũng như nhiều làng nghề khác ở vùng ngoại thành Hà Nội, làng nghề mộc Chàng Sơn, huyện Thạch Thất bắt đầu rộn rã âm thanh của tiếng máy, tiếng công nhân lao động và xe vận tải. Các nhà xưởng trong cụm công nghiệp làng nghề, xưởng mộc trong làng “bừng tỉnh” sau một thời gian trầm lắng.
Giám đốc doanh nghiệp Nhà gỗ Phúc Lộc Nguyễn Huy Khiêm cho biết: “Xưởng gỗ của chúng tôi đã "đóng băng" hơn 40 ngày từ cuối tháng 7/2021. Xã Chàng Sơn là "vùng xanh" của huyện Thạch Thất, chúng tôi rất vui khi được phép sản xuất trở lại. Hiện giờ, doanh nghiệp đã huy động được 80% nhân công trở lại làm việc để đáp ứng các đơn hàng". Mỗi doanh nghiệp hay xưởng mộc trở lại hoạt động với mức độ khác nhau, nhưng nhìn chung, các cơ sở đạt khoảng 50% công suất trở lên”.
Tương tự như Chàng Sơn, các làng nghề ở xã Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên) với tổng số khoảng 1.300 xưởng, cơ sở sản xuất, thu hút 4.500 lao động quay trở lại sản xuất trong trạng thái bình thường mới. Chuyên Mỹ có 2 nhóm nghề chính gồm khảm trai và sơn mài. Trong đó, các xưởng, cơ sở sản xuất sơn mài hoạt động sôi nổi hơn nhờ các đơn hàng dành cho xuất khẩu ký kết từ trước đó.
Ông Vũ Quốc Thương, Chủ tịch UBND xã Chuyên Mỹ cho biết, đối với các sản phẩm sơn mài, trong thời gian giãn cách, những hộ có quy mô nhỏ tại gia đình vẫn duy trì sản xuất. Giờ được nới lỏng giãn cách, sản xuất phát triển mạnh hơn, nhưng phải thực hiện nghiêm các hoạt động phòng, chống dịch.
“Những chủ hàng thực hiện đúng yêu cầu chống dịch vẫn được đóng hàng để xuất khẩu. Ngành hàng sơn mài có đủ đơn hàng sản xuất ít nhất từ giờ đến Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, với nhóm sản xuất đồ khảm trai, khảm ốc, đồ gỗ mini... thì nhiều hộ do khó khăn về giao thương, đơn hàng vẫn chưa trở lại sản xuất được", ông Thương cho biết thêm.
Dù người dân làng nghề rất phấn khởi khi sản xuất bắt đầu phục hồi nhưng thực tế sau những tác động của dịch COVID-19, các làng nghề gặp không ít khó khăn. Nhất là các cơ sở sản xuất quy mô nhỏ, tiềm lực còn hạn chế, sau thời gian dài nghỉ dịch thì nguồn thu hạn hẹp, việc đầu tư tái sản xuất gặp nhiều vướng mắc. Trong khi đó, với những làng nghề có thị trường tiêu thụ trong nước là chủ yếu, việc tiêu thụ trong thời gian này chưa tạo được cú hích lớn.
Bên cạnh đó, đặc thù của sản xuất làng nghề là sản xuất quy mô nhỏ, sản xuất tại hộ gia đình chiếm tỷ lệ lớn, hoạt động phụ thuộc vào các đơn hàng nhỏ lẻ. Do dịch COVID-19 xuất hiện trên diện rộng ở nhiều tỉnh, thành phố, kinh tế người dân bị ảnh hưởng, cho nên nhiều làng nghề chưa thể trở lại trạng thái "bình thường mới".
Ông Vũ Quốc Thương, Chủ tịch UBND xã Chuyên Mỹ cho biết, sở dĩ nhiều cơ sở sản xuất đồ mỹ nghệ ở Chuyên Mỹ chưa khôi phục được hoạt động là do chưa có đơn hàng mới. Việc có đơn hàng mới hay không phụ thuộc nhiều vào diễn biến phòng, chống dịch bệnh, khả năng phục hồi kinh tế. Do đó, khôi phục sản xuất hay không với một số làng nghề không phải câu chuyện ngày một, ngày hai.
Nhiều chủ doanh nghiệp làng nghề cũng cho biết, việc khôi phục hoạt động của làng nghề phụ thuộc vào thị trường. Kinh tế khó khăn khiến người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu. Với nhiều doanh nghiệp nhỏ, hộ gia đình ở làng nghề, phía trước còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, thủ tục để tiếp cận hỗ trợ của doanh nghiệp làng nghề còn phức tạp, gồm cả thủ tục cho người sử dụng lao động lẫn lao động. Do đó, doanh nghiệp mong muốn giảm nhẹ thủ tục, để mọi người dễ tiếp cận. Chính quyền nên có những khoản vay ưu đãi để các cơ sở sản xuất làng nghề có thể từng bước khôi phục sản xuất…
Diệu Anh