Các họa sỹ Cổ Đô say sưa thể hiện các bức trực họa khổ lớn về chủ đề mùa xuân- |
Làng họa sĩ Cổ Đô
Tại đình Kim Ngân (42 – 44 Hàng Bạc), trong khi nghệ sĩ Bạch Vân và các nghệ sĩ của Câu lạc bộ ca trù Hà Nội biểu diễn các bài ca trù cổ về Thăng Long-Hà Nội, thì ở khoảng sân trước cửa đình, các nghệ sĩ của gia đình họa sĩ Sỹ Tốt ở xã Cổ Đô, huyện Ba Vì, Hà Nội đang say sưa thể hiện các bức trực họa khổ lớn về chủ đề mùa xuân.
Làng Cổ Đô (Ba Vì, Hà Nội) chỉ có khoảng 800 hộ dân mà có đến 30 người là họa sĩ chuyên nghiệp, trong đó có 16 người là Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Ngoài ra, làng còn có hàng trăm "họa sĩ nông dân" cứ buông tay cày, tay cuốc là cầm cọ vẽ say mê.
Ở đây, có những người không qua đào tạo, nhưng nhờ năng khiếu, niềm đam mê, cộng với sự chỉ bảo của thế hệ đi trước mà trở thành họa sĩ. Họ đến với nghiệp cầm cọ tự nhiên như hơi thở. Qua các thế hệ, Cổ Đô đã có hơn 100 họa sĩ, trong đó có nhiều họa sĩ tên tuổi nổi tiếng được giới hội họa đánh giá cao như: Sỹ Tốt, Sỹ Thiết, Sỹ Tuấn, Trần Hòa, Giang Khích, Nguyễn Ngộc Thạch, Huỳnh Mai, La Vuông, Nguyễn Quang Trung.
Niềm đam mê của những người dân trong làng được nhân rộng từ tấm gương của cố họa sĩ Sỹ Tốt. Thuở nhỏ, ông đã mê vẽ, vẽ từ cổng đinh, cổng chùa đến các con vật... Sau đó, Sỹ Tốt đi bộ đội, tham gia các chiến dịch Biên giới, chiến dịch Thu Đông và chiến dịch Điện Biên Phủ. Năm 1955, ông được về Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (nay là Trường Đại học Mỹ thuật HN) học và trở thành một trong những họa sĩ tài danh của nền mỹ thuật Việt Nam.
Nhiều tác phẩm của ông đang được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Quân đội, Bảo tàng Việt Bắc. Trong đó phải kể đến Một số tác phẩm như: "Bế Văn Đàn lấy thân làm giá súng”, "Em nào cũng được học cả”, "Tiếng đàn bầu"...
Trong làng Cổ Đô, mỗi họa sĩ đều có một phòng tranh riêng nho nhỏ tại nhà và nhiều người có phòng tranh ở Hà Nội. Hiện nay, nhiều họa sĩ trẻ tâm huyết đang dạy nghề cho thanh thiếu niên trong làng, đặc biệt là các trẻ em khuyết tật, hoàn cảnh khó khăn. Đây là nơi ươm mầm các tài năng hội họa của Cổ Đô. Năm 2003, những người có chung niềm đam mê hội họa đã lập nên "Câu lạc bộ Mỹ thuật Cổ Đô". Câu lạc bộ là nơi tổ chức các cuộc triển lãm tranh của các "họa sĩ nông dân". Và mỗi lần diễn ra triển lãm, Cổ Đô lại tưng bừng như trong ngày hội.
Lai Xá - làng nhiếp ảnh
Đến thăm đình Đồng Lạc (38 Hàng Đào), người xem sẽ có cảm giác như bước vào một bảo tàng nhỏ xinh của làng nhiếp ảnh truyền thống Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội.
Toàn bộ 4 bức tường và trần của đình đều được phủ kín những bức ảnh đen trắng do những người thợ của làng chụp. Ở đây cũng trưng bày những chiếc máy ảnh từ những năm 30 của thế kỷ trước.
Một gốc trưng bày các tác phẩm ảnh của những người thợ ảnh làng Lai Xá-Ảnh: VGP/Mai Hồng |
Cả nước hiện có hàng ngàn làng nghề nhưng duy nhất chỉ có làng Lai Xá ở xã Kim Chung, huyện Hoài Đức (HN) là có nghề truyền thống từ hàng trăm năm nay về nhiếp ảnh. Vượt qua giới hạn của một nghề mưu sinh, những người nông dân- thợ chụp ảnh ở làng Lai Xá đã làm nên nét độc đáo của ngôi làng được mệnh danh là "ngôi làng của các nghệ sĩ".
Lai Xá được coi là cái nôi của nhiếp ảnh Việt Nam. Cụ Nguyễn Đình Khánh (tức Khánh Ký) là một trong bốn nhiếp ảnh gia của cả nước được ghi tên trong cuốn Bách khoa toàn thư Việt Nam. Từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, nghề chụp ảnh đã phát triển mạnh ở làng Lai Xá. Với kỹ thuật khéo léo và bí quyết riêng của làng nghê, các tay máy của làng có thể chụp cả chục cuộn phim trong mọi điều kiện thời tiết mà độ bắt sáng vẫn đều tăm tắp.
Kế tục sự nghiệp của các bậc tiền bối làng nghề, giờ đây những người thợ ảnh- người nghệ sĩ của làng nghề đang cùng gìn giữ và phát triển mạnh nghề truyền thống. Hơn 300 người làng Lai Xá đang hàng nghề ảnh trong cả nước đều là những người đã coi chụp ảnh như một cái nghiệp, là nét văn hóa riêng của làng quê mình chứ không chỉ đơn thuần là nghề mưu sinh.
Từ giữa năm 2002, Lai Xá đã thành lập Câu lạc bộ nhiếp ảnh Nguyễn Đình Khánh với mục đích gìn giữ, phát triển nghệ thuật nhiếp ảnh. Từ khi thành lập đến nay, các thành viên của Câu lạc bộ đã có hàng ngàn bức ảnh tham gia các triển lãm nhiếp ảnh lớn trong và ngoài nước. Ông Nguyễn Đức Căn, phụ trách chuyên môn của Câu lạc bộ nhiếp ảnh Nguyễn Đình Khánh cho biết hiện Câu lạc bộ có 36 hội viên và đang nỗ lực giữ hoạt động của làng nghề.
Hiện nay làng nghề nhiếp ảnh Lai Xá và Câu lạc bộ đang củng cố làng nghề. Chính quyền địa phương tạo điều kiện để Câu lạc bộ có tổ chức các lớp học để phát triển các hội viên trẻ và tạo điều kiện cho các bạn trẻ phát triển nghề...
Với định hướng xây dựng Lai Xá trở thành điểm du lịch văn hóa làng nghề, chính quyền địa phương và những người thợ ảnh- những người nghệ sĩ của làng nghề đã tích cực hoàn thiện các tư liệu, sản phẩm nhiếp ảnh nổi bật của các tay máy làng Lai Xá đang ở trong và ngoài nước. Lai Xá cũng chú trọng việc qui hoạch, nâng cấp các hiệu ảnh đang hoạt động ở làng... để mãi mãi gìn giữ và phát triển nghề nhiếp ảnh độc đáo, góp phần làm nên nét văn hóa đặc sắc của Thủ đô Hà Nội.
Ngoài hai điểm di tích giới thiệu về hai làng nghề nghệ sĩ rất độc đáo vừa rồi, tại ngôi nhà di sản 87 Mã Mây giới thiệu dòng tranh Đông Hồ và Hàng Trống trong ngôi nhà truyền thống. Tại Trung tâm thông tin phố cổ 28 Hàng Buồm giới thiệu các dự án đang triển khai trong khu phố cổ Hà Nội. |
Mai Hồng