In bài viết

Làng tre Phú An (Bình Dương): Mô hình mang tầm quốc tế

Được trao giải thưởng Xích đạo về đa dạng sinh học, làng tre Phú An (huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương) giờ đã trở thành một mô hình mang tầm quốc tế. Mô hình này không chỉ đáp ứng được mục đích bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên mà còn góp phần giải quyết việc làm và ổn định cuộc sống của bà con nơi đây. Và người đã góp công đưa làng tre Phú An đi đến mô hình ấy là tiến sĩ Diệp Thị Mỹ Hạnh...

29/10/2010 12:09
Sản xuất mỹ nghệ từ làng tre Phú An. Vùng đất Phú An trong chiến tranh từng được mệnh danh là tam giác sắt (Phú An - An Tây - An Điền) với khói lửa đạn bom. Qua bao năm tháng bom cày đạn xới, cây tre ở Phú An vẫn ngoan cường gắn bó với đời sống của người dân nơi đây, như một xứ sở của ngành mỹ nghệ mây tre lá.... * Từ làng tre truyền thống đến làng tre sinh thái Sau nhiều năm tu nghiệp ở Pháp, tình yêu quê hương và những kỷ niệm thời thơ ấu gắn với cây tre đã thôi thúc TS. Diệp Thị Mỹ Hạnh về lại quê hương Phú An với quyết tâm xây dựng và bảo tồn loài cây từng được xem là biểu tượng của người Việt Nam. Chị cho biết: "Vào cuối thế kỷ trước, tre Phú An vẫn còn rất nhiều. Nhưng cây tre ở đây chưa được phát huy đúng tầm của nó, đã thôi thúc tôi ý định xây dựng khu bảo tàng sinh thái tre và bảo tồn thực vật, biến khu vực tam giác sắt thành tam giác xanh, dùng thực vật để phủ xanh, bởi vì làng của chúng tôi bị bom đạn cày xới rất nhiều". Ý tưởng xây dựng làng tre Phú An bắt đầu từ những việc đơn giản nhất là hướng dẫn bà con trồng và chăm sóc tre đúng kỹ thuật chứ không theo lối trồng tự nhiên như trước kia. Bên cạnh đó, trên một mảnh đất nhỏ 10 ngàn mét vuông, những giống tre đầu tiên từ các nơi khác đã được đưa về đây để hình thành nên một bộ sưu tập tre. Lần đầu tiên ở nước ta, cây tre đã có một bảo tàng riêng của mình, nằm trong làng sinh thái tre Phú An. 10 ngàn mét vuông đất ban đầu ấy giờ đây đã nhân lên 4,5 hécta. Làng tre Phú An, hay còn gọi khu bảo tàng sinh thái tre và bảo tồn thực vật ra đời với sự hợp tác giữa tỉnh Bình Dương, vùng Rhône Alpes, vườn thiên nhiên Pilat (Pháp) và trường Đại học khoa học tự nhiên (Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh). Có thể nói, qua nhiều thăng trầm, đến nay làng tre Phú An được xem là khu bảo tồn tre lớn nhất Việt Nam cũng như Đông Nam Á. Làng tre Phú An đã sở hữu bộ sưu tập tre khoảng 130 loài với hơn 300 mẫu tre, trúc, nứa thuộc 17 giống, chiếm gần 90% giống tre ở Việt Nam, trong đó có nhiều giống quý hiếm như: mai ống, vàng sọc, tre ngà... Trong khuôn viên của làng tre, dễ dàng tìm được nhiều giống tre đặc trưng cho các vùng miền từ Bắc, Trung, Tây Nguyên, Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long với nét đặc trưng riêng của mỗi vùng miền được thiết kế phù hợp với điều kiện sinh thái của từng loại tre. * Và "tam giác sắt" thành "tam giác xanh" Được biết, trước khi trở thành giảng viên của Trường đại học khoa học tự nhiên TP.Hồ Chí Minh, TS. Diệp Thị Mỹ Hạnh từng là Phó viện trưởng phụ trách khoa học kỹ thuật của Viện Nghiên cứu cây có dầu, đã lai tạo thành công giống dừa PB 121 hiện đang được nhiều người dân trồng, bởi năng suất cao, cơm dày. Từ khi gắn bó với cây tre và đam mê thành lập làng tre, bà đã không quản mệt mỏi lặn lội từ Nam tới Bắc để sưu tầm từng loại tre đặc trưng của từng địa phương. TS. Diệp Thị Mỹ Hạnh nhớ lại: "Để có được kết quả hôm nay, phải kể đến công lao của các nhà khoa học đã cùng tôi tìm tòi và đặt tên cho từng loại tre. Có những chuyến đi đầy khó khăn, như lần đi tìm giống tre vuông ở Hà Giang phải băng rừng, lội suối với một lộ trình mù mịt lắm lúc tưởng như phải bỏ cuộc". Về Phú An hiện nay, nhắc đến TS. Mỹ Hạnh không ai lại không biết. Chủ nhật hằng tuần, bà thường tổ chức những buổi dạy học thực tế dành cho trẻ, giúp các em biết yêu thiên nhiên, bảo vệ môi trường. Bà cũng thường xuyên tổ chức những buổi hội thảo, hướng dẫn người dân biết cách cải tạo môi trường cho đất trồng trọt, hướng dẫn người dân làm du lịch sinh thái. Hiện nay, làng tre Phú An cũng cho ra đời nhiều sản phẩm mới làm bằng tre và nơi đây cũng đang hình thành các CLB phụ nữ giúp nhau làm kinh tế qua việc trồng rau an toàn và làm các sản phẩm từ tre. Quan trọng hơn là người dân địa phương đã hiểu được việc bảo vệ môi trường sinh thái là bảo vệ cuộc sống của chính họ. Đến nay, khu bảo tàng sinh thái tre và bảo tồn thực vật (làng tre Phú An) là một trong số 21 ngôi làng trên thế giới được UNDP trao giải thưởng Xích đạo về đa dạng sinh học vào thời điểm Năm quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học. Về làng tre Phú An những ngày này vẫn còn nghe nhộn nhịp, bàn tán về giải thưởng vừa đạt được. Nhận xét về giải thưởng này, một vị giám khảo người Mỹ đã chia sẻ: "Ý tưởng biến tam giác sắt thành tam giác xanh là một ý tưởng rất độc đáo. Người Mỹ đã từng đổ bom đạn để phá làng quê các bạn và các bạn đã đi trồng lại từng cây xanh trên những hố bom ấy để tạo thành một lá phổi xanh cho quê hương". Theo Báo Đồng Nai