Chiều 11/10, tại thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình dẫn đầu Tổ công tác số 1 theo Quyết định số 1006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ làm việc với các địa phương: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định về công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.
Ngày 19/9/2024, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1006/QĐ-TTg thành lập 7 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công hằng năm tại các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương.
Tổ công tác số 1 do Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Hoà Bình làm Tổ trưởng, kiểm tra các bộ, cơ quan Trung ương: Văn phòng Quốc hội; Văn phòng Chính phủ; Tòa án nhân dân tối cao; Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Bộ Quốc phòng; Bộ Công an; Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Nội vụ; Thanh tra Chính phủ; Ủy ban Dân tộc; Liên minh Hợp tác xã Việt Nam. Các địa phương: Thừa Thiên Huế; Thành phố Đà Nẵng; Quảng Nam; Quảng Ngãi; Bình Định; Phú Yên; Khánh Hòa; Ninh Thuận; Bình Thuận.
Tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung, tổng kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2024 đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho các địa phương thuộc Tổ công tác số 1 là 55.718,3 tỷ đồng, các địa phương đã phân bổ chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án là 53.656 tỷ đồng.
Trong 5 địa phương tham dự cuộc họp, chỉ có duy nhất tỉnh Quảng Nam chưa hoàn thành việc phân bổ chi tiết 100% kế hoạch với số vốn là 442,465 tỷ đồng, bao gồm vốn ngân sách Trung ương là 16,162 tỷ đồng và vốn ngân sách địa phương là 426,303 tỷ đồng.
Về tình hình giải ngân, ước thanh toán đến hết 30/9/2024 của các địa phương thuộc Tổ công tác số 1 là 25.746,9 tỷ đồng, đạt 46,21% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn tỉ lệ giải ngân trung bình của cả nước (47,29%) và thấp hơn tỉ lệ giải ngân trung bình của các tỉnh thuộc vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (52,99%).
Cụ thể, chi tiết tình hình thanh toán vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước của 05 địa phương tham dự cuộc họp là: Tỉnh Thừa Thiên Huế giải ngân 4.068,4/6.957,9 tỷ đồng được giao, đạt 58,47%; thành phố Đà Nẵng giải ngân 3.520/7.291,9 tỷ đồng được giao, đạt 48,27%; tỉnh Quảng Nam giải ngân 2.672,9/6.520,6 tỷ đồng được giao, đạt 40,99%; tỉnh Quảng Ngãi giải ngân 2.305,3/6.902,9 tỷ đồng được giao, đạt 33,40%, tỉnh Bình Định giải ngân 5.456,1/7.865,7 tỷ đồng được giao, đạt 69,37%.
"Như vậy, trong số 5 địa phương nêu trên, có 3 địa phương là: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Bình Định có tỉ lệ giải cao hơn mức trung bình của cả nước và 2 địa phương: Quảng Nam, Quảng Ngãi có tỉ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả nước", Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho biết.
Tại phiên họp, lãnh đạo, đại diện các bộ, ngành Trung ương và các địa phương đã tập trung phân tích, đánh giá những kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế và khó khăn, vướng mắc mà các địa phương thuộc Tổ công tác số 1 đang gặp phải từ đó đưa ra các giải pháp để tiếp tục thúc đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm và thời gian tới, trong đó nhấn mạnh cần có những giải pháp đồng bộ, hiệu quả hơn để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện nay liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư; xử lý thiếu hụt về vật liệu xây dựng cho các công trình giao thông; sớm trình Quốc hội thông qua Luật Đầu tư công sửa đổi để giải quyết các vướng mắc còn tồn tại, ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; xử lý các bất cập liên quan đến lĩnh vực đất đai như sự không thống nhất trong xác định phân loại đất, nguyên tắc sử dụng đất, chênh lệch giữa giá bồi thường theo khung quy định của Nhà nước với giá thị trường; khắc phục tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, nhà đầu tư dẫn đến kết quả giải ngân vốn đầu tư công còn thấp, chưa được như mong muốn;…
Quyết tâm cao hơn trong khắc phục các hạn chế, yếu kém trong giải ngân đầu tư công
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đánh giá, tình hình giải ngân vốn đầu tư công tại các địa phương thuộc Tổ công tác số 1 đã đạt được một số kết quả tích cực. Đặc biệt, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Bình Định đã có tỉ lệ giải ngân vượt mức trung bình của cả nước; đây là những địa phương đã nỗ lực rất lớn trong việc thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội của vùng và của cả nước. Tuy nhiên vẫn còn 2 địa phương là Quảng Nam và Quảng Ngãi có tỉ lệ giải ngân dưới mức trung bình cả nước.
Nêu rõ đầu tư công là một trong những động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, song hiện nay tình hình giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, trong khi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra yêu cầu phấn đấu đạt tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công cả năm 2024 là trên 95% kế hoạch được giao. Vì vậy, các địa phương, nhất là các đồng chí Bí thư, Chủ tịch phải xác định rõ, nhận thức rõ trách nhiệm chính trị của mình trong chỉ đạo, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; phải có sự quyết tâm cao hơn trong khắc phục các hạn chế, yếu kém trong giải ngân vốn đầu tư công thời gian qua.
Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu các địa phương bám sát các quan điểm, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong tăng cường kỷ luật, kỷ cương, kịp thời tháo gỡ các điểm nghẽn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Tích cực tham gia vào công tác hoàn thiện thể chế, quy định pháp luật, cải cách thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực đầu tư công.
Chú ý đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng các dự án, làm tốt công tác tái định cư; tập trung cho các dự án trọng điểm của địa phương. Đồng thời tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả các biện pháp để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến nguồn cung nguyên vật liệu cho các công trình, thực hiện các biện pháp kiểm soát tốt giá cả và chất lượng nguyên vật liệu xây dựng.
Tăng cường kiểm tra, giám sát, triển khai hoạt động thường xuyên của tổ công tác của địa phương để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công. Quan tâm hơn nữa trong thúc đẩy giải ngân đối với các Chương tình mục tiêu quốc gia, các dự án và công trình trọng điểm.
"Chính phủ luôn đồng hành cùng các địa phương trong tháo gỡ, thúc đẩy giải ngân đầu tư công, song các địa phương cũng phải phát huy hơn nữa tinh thần chủ động, sáng tạo; lãnh đạo địa phương phải bám sát thực tế, phải đến các dự án để xem xét, nắm bắt, kịp thời tháo gỡ hoặc đề xuất tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc", Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh./.
Nguyễn Hoàng