Năm 2011, trong bối cảnh biến động phức tạp nhiều khó khăn, nhưng với sự nỗ lực của các cấp ủy đảng, chính quyền và doanh nhân Thủ đô, kinh tế xã hội của Hà Nội vẫn đạt nhiều kết quả khả quan: kinh tế tăng trưởng khá, tổng sản phẩm nội địa vùng đạt 10,13%, gấp 1,67 lần của cả nước; các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ, khuyến mại, bán hàng bình ổn giá được thực hiện tích cực; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 10,3 tỷ USD tăng 27,1% gấp gần 2 lần kế hoạch...Năm 2012, dự báo kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nhân tố mất ổn định và tăng trưởng toàn cầu có xu hướng chậm lại; kinh tế trong nước tiếp tục khó khăn... Trước thực trạng đó, UBND TP đã tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện quyết liệt các giải pháp kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh tiến độ thực hiện dự án xây dựng hạ tầng giao thông, giải tỏa các điểm nút ùn tắc giao thông; triển khai tích cực xây dựng nông thôn mới.
Để thực hiện được các mục tiêu này, UBND TP sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn như đẩy mạnh sản xuất kinh doanh; tiếp tục rà soát, sửa đổi các quy định, thủ tục hành chính, tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp. Thường xuyên tổ chức các cuộc giao ban, đối thoại với doanh nghiệp theo nhu cầu thực tế nhằm tháo gỡ nhanh nhất những vướng mắc của doanh nghiệp. Chỉ đạo Sở Công thương phối hợp với các sở, ngành, đặc biệt là Cục Thuế Hà Nội, cục Hải Quan, Ngân hàng nhà nước chi nhánh Hà Nội… tổ chức giao ban chuyên đề hoặc giải quyết khó khăn phát sinh của doanh nghiệp. Hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện các thủ tục để được miễn giảm thuế đất năm 2011, 2012. Tuyên truyền công khai, rộng rãi các thủ tục, thành phần hồ sơ và chi tiêu xét chọn… các dự án được hưởng cơ chế ưu đãi của nhà nước và thành phố để các doanh nghiệp biết và tham gia vào các chương trình trọng điểm.
Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp phát biểu đóng góp ý nhiều ý kiến, kiến nghị với Thành phố để tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh năm 2012. Các đại biểu đề nghị Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các Bộ, ngành triển khai các giải pháp khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức tín dụng ưu tiên vốn tín dụng cho các lĩnh vực: xuất khẩu, kinh doanh siêu thị, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động. Đồng thời, có phương án giải quyết vấn đề thanh khoản của hệ thống ngân hàng trong quý I/2012. Bên cạnh đó cần xem xét điều chỉnh giá thuê đất của doanh nghiệp, phân loại các doanh nghiệp để điều chỉnh thuế suất cho phù hợp. Thành phố cũng cần bố trí quỹ đất để mở rộng địa điểm kinh doanh; rà soát, sửa đổi các quy định, thủ tục hành chính, tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp. Cần có giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp mang lại nguồn thu lớn cho thành phố...
Sau khi nghe ý kiến của các doanh nghiệp, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thế Thảo khẳng định, TP đánh giá cao sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc chủ động, năng động sáng tạo ứng phó với tình hình, đóng góp vào thành tích chung của thành phố. Tuy nhiên, thông qua các tổ chức, hiệp hội, các doanh nghiệp cũng cần chủ động thường xuyên phản ánh những vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách chung, những kiến nghị cụ thể với Thành phố nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp, đảm bảo đời sống để người lao động yên tâm làm việc, góp phần đảm bảo an sinh xã hội của Thủ đô.
Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh, trước thực trạng khó khăn hiện nay, UBND TP sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi các quy định, thủ tục hành chính, tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp. Đồng thời hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện các thủ tục để được miễn giảm thuế đất năm 2011, 2012; tuyên truyền công khai, rộng rãi các thủ tục, thành phần hồ sơ và chỉ tiêu xét chọn… các dự án được hưởng cơ chế ưu đãi của Nhà nước và Thành phố để các doanh nghiệp biết và tham gia vào các chương trình cơ khí trọng điểm. Mặt khác, sẽ tổ chức các đoàn xúc tiến đầu tư để thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp hỗ trợ; tập trung khai thác tốt các thị trường truyền thống, thị trường có hiệp định mậu dịch tự do như Mỹ, ASEAN, EU; triển khai các chương trình giao thương giữa doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu Hà Nội và nhà nhập khẩu các nước; tổ chức tuần lễ hàng xuất khẩu của Hà Nội tại Mỹ. Tiếp tục triển khai cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; tổ chức tốt kế hoạch bình ổn giá của Thành phố; đẩy mạnh liên kết vùng, khai thác tốt tiềm năng của các tỉnh lân cận để tăng nguồn cung hàng thiết yếu... Trước mắt 6 tháng một lần, Thành phố sẽ tổ chức gặp gỡ doanh nghiệp nhằm lắng nghe ý kiến phản ánh để tháo gỡ nhanh nhất những vướng mắc trong sản xuất kinh doanh. Đồng thời phối hợp với các sở, ngành, đặc biệt là Cục Thuế Hà Nội, Cục Hải quan, Ngân hàng nhà nước chi nhánh Hà Nội… tổ chức giao ban chuyên đề hoặc giải quyết khó khăn phát sinh để doanh nghiệp được thụ hưởng tối đa những cơ chế chính sách hỗ trợ của Chính phủ và Thành phố đối với doanh nghiệp.
Huy Kiên