Ảnh: Bloomberg
Theo số liệu do Công ty nghiên cứu tín dụng Tokyo Shoko Research công bố ngày 8/4, số doanh nghiệp phá sản tại Nhật Bản trong năm tài chính 2024 đã vượt con số 10.000 lần đầu tiên sau 11 năm.
Nguyên nhân chủ yếu do các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang chịu tác động nặng nề do tình trạng thiếu hụt lao động và giá cả leo thang.
Số vụ phá sản với các khoản nợ từ ít nhất 10 triệu yen (68.100 USD) là 10.144 vụ, tăng 12,1% so với năm tài chính 2023.
Đáng chú ý, số lượng doanh nghiệp có dưới 10 nhân viên chiếm tới 89,4% tổng số vụ phá sản, cho thấy những khó khăn trong việc duy trì hoạt động kinh doanh sau khi các biện pháp gia hạn thuế đặc biệt trong đại dịch COVID-19 kết thúc.
Mặc dù vậy, tổng số nợ của các doanh nghiệp đã giảm 3,6% so với năm tài chính 2023, xuống còn 2,37 triệu yen.
Xét theo ngành nghề, ngành dịch vụ ghi nhận số vụ phá sản cao nhất với 3.398 vụ, tăng 12,2% so với năm tài chính 2023, mức cao nhất kể từ năm tài chính 1989.
Ngành xây dựng đứng thứ hai với 1.943 vụ phá sản, tăng 9,3%. Trong khi đó, số vụ phá sản trong ngành logistics giảm 3,8%, xuống còn 424 vụ.
Trong bối cảnh dân số đang già hóa nhanh chóng và thiếu hụt lao động lan rộng, việc mở rộng kênh di cư hợp pháp không còn là lựa chọn, mà là chiến lược sống còn. Tuy nhiên, để chính sách này phát huy hiệu quả, các quốc gia cần đi kèm với cải cách về quản lý, bảo vệ quyền lợi lao động nhập cư và tăng cường năng lực tiếp nhận. "Mở cửa" chỉ là bước đầu, điều quan trọng là mở đúng cách.
Nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng, đặc biệt trong các lĩnh vực quan trọng, như công nghệ thông tin, xây dựng, cơ khí – chế tạo máy, y tế – điều dưỡng, nông nghiệp và chế biến thực phẩm.
Hồi tháng 3/2025, Nội các Nhật Bản đã thông qua chính sách cơ bản về cơ chế mới thay thế cho chương trình thực tập sinh quốc tế, nhấn mạnh cơ chế này nhằm thu hút lao động nước ngoài nhằm giải bài toán thiếu hụt lao động trầm trọng tại đất nước Mặt trời mọc.
Chính sách mới cho thấy sự thay đổi lớn trong quan điểm chính thức của Nhật Bản về tiếp nhận lao động nước ngoài.
Cụ thể, hệ thống mới dự kiến sẽ được áp dụng từ tháng 6/2027, về nguyên tắc khuyến khích người lao động sau 3 năm có thể chuyển sang chế độ thị thực Lao động kỹ năng đặc định có thời hạn lưu trú dài hơn. Người lao động sẽ được phép thay đổi nơi làm việc, chủ lao động trong cùng một ngành nghề với một số điều kiện nhất định như đã làm công việc đó hơn 1 năm, có trình độ ngoại ngữ và kỹ năng chuyên môn đáp ứng một số tiêu chuẩn nhất định.
An Bình