In bài viết

Lập Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng tại 2 thành phố lớn

(Chinhphu.vn) – Ngân hàng Nhà nước đề xuất thành lập thêm 2 Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng đặt tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

15/04/2013 16:37

Ảnh minh họa

Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc thành lập các Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng đặt tại tỉnh, thành phố là cơ sở để bảo đảm cho việc thống nhất chỉ đạo về công tác cán bộ, chuyên môn nghiệp vụ và công tác thanh tra, giám sát ngân hàng trong toàn bộ hệ thống thanh tra, giám sát ngân hàng theo chương trình, mục tiêu chung.

Ngân hàng Nhà nước cho biết lý do cơ quan này đề xuất thành lập 2 Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng đặt tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh (tại 2 địa phương này sẽ không còn Thanh tra, giám sát ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh) vì hiện nay, hầu hết trụ sở chính của các ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, ngân hàng liên doanh, Chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngân hàng 100% vốn nước ngoài đặt tại 2 địa bàn thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; tổng tiền gửi tại 2 địa bàn chiếm 65,3% toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

Do đó, cần thiết phải bố trí 2 đơn vị thanh tra, giám sát cấp Cục tại 2 địa bàn này trực thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (thay cho Thanh tra, giám sát ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh) là cần thiết để đảm bảo chỉ đạo tập trung, thống nhất; kịp thời xử lý các vấn đề nổi cộm mới phát sinh.

Ngay từ cuối năm 2009, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó quy định Thanh tra, giám sát ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị tương đương Chi cục thuộc Sở (cơ cấu tổ chức gồm các Phòng trực thuộc) và giao một Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh kiêm giữ chức Chánh Thanh tra, giám sát Chi nhánh.

Theo Ngân hàng Nhà nước, thực chất, 2 Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là 2 đơn vị trực thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng và độc lập với các Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tại 2 thành phố này.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đề xuất thành lập Vụ Tổ chức cán bộ và Đào tạo tại trụ sở chính. Như vậy, theo đề xuất này, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng sẽ có 11 đơn vị trực thuộc.

Thêm nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo hiểm tiền gửi

Ngoài ra, dự thảo cũng đề xuất một số điểm mới so với quy định tại Quyết định số 83/2009/QĐ-TTg hiện đang được áp dụng như: Bổ sung nhiệm vụ liên quan đến quản lý nhà nước về bảo hiểm tiền gửi của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng; đề xuất quy định con dấu của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng có hình Quốc huy.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đề xuất quy định số lượng Phó Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng tăng lên thành không quá 5 Phó Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng (tăng 2 người so với quy định hiện nay).

Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong những năm gần đây, hệ thống các tổ chức tín dụng tại Việt Nam đã phát triển mạnh cả về loại hình, quy mô và dịch vụ. Hiện Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng phải thanh tra, giám sát, quản lý lên tới gần 4.000 đơn vị.

Sự lớn mạnh của hệ thống các tổ chức tín dụng trong thời gian qua đã và đang có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy và duy trì sự phát triển, ổn định bền vững nền kinh tế nước ta, song cũng đặt ra yêu cầu cần phải đi đôi với việc tăng cường quản lý, thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước.

Theo dự thảo, cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng là đơn vị tương đương tổng cục, thuộc cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước, giúp Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quản lý nhà nước đối với các đối tượng quy định tại Điều 2 Luật Các tổ chức tín dụng, bao gồm: Cấp, thu hồi giấy phép, ban hành quy định về tổ chức, hoạt động và an toàn hoạt động ngân hàng, quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo, phòng, chống tham nhũng, phòng, chống rửa tiền, bảo hiểm tiền gửi; tiến hành thanh tra hành chính, thanh tra và giám sát ngân hàng, thanh tra về phòng, chống rửa tiền, bảo hiểm tiền gửi; giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng trong phạm vi quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước…

Mời bạn đọc xem toàn văn và góp ý dự thảo tại đây.

Thanh Hoài