Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản gửi các đơn vị liên quan thống nhất phương án đầu tư xây dựng và khai thác hệ thống kiểm tra tải trọng trên các tuyến cao tốc thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Theo Bộ Giao thông vận tải, tình trạng xe quá tải dù đã giảm nhưng còn diễn biến phức tạp, thủ đoạn trốn tránh, đối phó tinh vi, gây hư hỏng và xuống cấp các công trình đường bộ đã gián tiếp gia tăng tai nạn giao thông, nhất là ở các đoạn tuyến không có sự tuần tra, kiểm soát của cơ quan chức năng hoặc chưa được bố trí hệ thống kiểm tra tải trọng.
Nhiều công trình khi đưa vào khai thác trong một thời gian đã bị hư hỏng, giảm tuổi thọ so với mục tiêu thiết kế ban đầu, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư, gây tốn kém chi phí duy tu sửa chữa và khắc phục hậu quả.
Chính vì vậy, Bộ Giao thông vận tải thống nhất chủ trương về phương án đầu tư xây dựng và khai thác hệ thống kiểm tra tải trọng trên các tuyến cao tốc thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông được Cục Đường bộ Việt Nam nghiên cứu, xây dựng.
Hệ thống cân tự động sẽ giúp kiểm soát, ngăn ngừa tối đa việc xe quá tải lưu thông, bảo vệ hạ tầng giao thông đường bộ, trong đó có hệ thống đường bộ cao tốc.
Về mô hình, Bộ Giao thông vận tải thống nhất với đề xuất sử dụng hệ thống cân tự động hoạt động được ở tốc độ thấp và tốc độ cao, đạt cấp chính xác tối thiểu F10 theo quy định của pháp luật về đo lường đối với phương tiện đo nhóm 2 và đáp ứng quy định tại quy chuẩn về trạm kiểm tra tải trọng xe.
Hệ thống hoạt động theo nguyên tắc, khi xe qua hệ thống cân, nếu phát hiện quá tải sẽ được hệ thống báo hiển thị tự động trên màn hình điện tử; lái xe có trách nhiệm đưa xe ra khỏi đường cao tốc thông qua tuyến nhánh rẽ phải xuống đường gom hoặc đường nhánh được đầu tư xây dựng dành riêng cho xe quá tải bị từ chối cung cấp dịch vụ đi lại trên đường cao tốc.
Hệ thống kiểm tra tải trọng được lắp đặt tại nơi có khả năng tận dụng tối đa cơ sở hạ tầng sẵn có, đảm việc kiểm soát tải trọng xe được hiệu quả, tiết kiệm chi phí đầu tư, bảo đảm an toàn; thiết bị được lắp đặt hoặc bố trí tại tất cả các lối vào đường cao tốc đảm bảo kiểm soát toàn bộ các dòng xe ra vào tuyến. Số làn xe được bố trí cân kiểm tra tải trọng tùy thuộc vào lưu lượng xe vào của nhánh đó, số làn đường của nhánh.
Bộ Giao thông vận tải giao Cục Đường bộ Việt Nam quản lý, bảo trì, vận hành, khai thác các hệ thống kiểm tra tải trọng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Phối hợp với các cơ quan nghiên cứu đầu tư hệ thống kiểm tra tải trọng đối với các tuyến cao tốc đầu tư bằng ngân sách nhà nước đã hoàn thành đưa vào sử dụng bằng nguồn kinh phí bảo trì công trình.
Bên cạnh đó, hướng dẫn các chủ đầu tư trong quá trình tổ chức đầu tư xây dựng đối với các vấn đề kỹ thuật có liên quan đảm bảo việc đầu tư, xây dựng và vận hành hiệu quả, tiết kiệm, đáp ứng được mục tiêu đầu tư.
Cơ quan này cũng có trách nhiệm chủ trì và phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) trong việc tổ chức tiếp nhận và xử lý thông tin vi phạm về tải trọng theo quy định của pháp luật.
Đối với Cục Đường cao tốc Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu tham mưu trình Bộ Giao thông vận tải phê duyệt điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi đối với nội dung bổ sung hệ thống kiểm tra tải trọng. Đồng thời, thực hiện các thủ tục điều chỉnh, bổ sung các hợp đồng BOT đối với các dự án PPP. Thực hiện chức năng cơ quan chuyên môn về xây dựng đối với các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư được giao quản lý.
Bộ Giao thông vận tải cũng yêu cầu Cục Đăng kiểm Việt Nam rà soát hạ tầng cơ sở dữ liệu đăng kiểm của phương tiện cơ giới đường bộ, tiến hành bổ sung, nâng cấp, đảm bảo việc kết nối các hệ thống kiểm tra tải trọng với cơ sở dữ liệu đăng kiểm của phương tiện đường bộ khi có yêu cầu, phục vụ việc trích xuất dữ liệu của phương tiện và xử lý theo quy định.
TD