Ảnh minh họa |
Bộ Tư pháp cho biết, việc xây dựng dự thảo Thông tư nhằm cụ thể hóa quy định của Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 7/10/2020 của Chính phủ quy định về Hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành tư pháp và các quy định pháp luật liên quan, tạo cơ sở pháp lý cho việc thành lập, tổ chức và hoạt động của hội đồng quản lý của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành tư pháp.
Dự thảo Thông tư quy định về việc thành lập, vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, miễn nhiệm thành viên và quy chế hoạt động, mối quan hệ công tác của Hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành tư pháp (Hội đồng quản lý).
Về nguyên tắc thành lập, dự thảo nêu rõ, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư phải thành lập Hội đồng quản lý để quyết định những vấn đề quan trọng của đơn vị. Khuyến khích các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên căn cứ điều kiện cụ thể, yêu cầu quản lý và pháp luật chuyên ngành xây dựng Đề án trình cấp có thẩm quyền thành lập Hội đồng quản lý đơn vị sự nghiệp công lập.
Về điều kiện thành lập, theo dự thảo, Hội đồng quản lý được thành lập ở các đơn vị sự nghiệp công lập nêu trên được Nhà nước giao vốn, tài sản để thực hiện cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo quy định của pháp luật.
Đối với đơn vị sự nghiệp giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp thì Hội đồng trường được thành lập theo quy định của pháp luật chuyên ngành và thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng quản lý.
Vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng quản lý
Hội đồng quản lý là đại diện của Bộ Tư pháp (đối với đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của Bộ), UBND cấp tỉnh (đối với đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Tư pháp) tại đơn vị sự nghiệp công lập.
Hội đồng quản lý quyết định về chủ trương, chiến lược, kế hoạch hoạt động, tài chính và công tác tổ chức bộ máy nhân sự; kiểm tra, giám sát việc thực hiện mục tiêu, kế hoạch hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật và phân cấp của cơ quan quản lý đơn vị sự nghiệp công lập.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng quản lý thực hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều 7 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 7/10/2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.
Hội đồng quản lý có từ 5 đến 11 thành viên, trong đó có Chủ tịch, Thư ký và các thành viên khác. Tùy theo yêu cầu nhiệm vụ, Hội đồng quản lý có thể có Phó Chủ tịch Hội đồng. Chủ tịch và các thành viên khác của Hội đồng quản lý do người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Đề án tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập bổ nhiệm. Nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng quản lý không quá 5 năm.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Minh Đức