Một góc huyện Kỳ Anh |
Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng thẩm định nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chung thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh theo quy định pháp luật hiện hành.
Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý thành lập thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Sau khi được thành lập, thị xã Kỳ Anh có trên 85.500 nhân khẩu, 12 đơn vị hành chính cấp xã.
Theo Bộ Nội vụ, việc tách huyện Kỳ Anh để thành lập thị xã Kỳ Anh và huyện Kỳ Anh là cần thiết. Bởi huyện Kỳ Anh hiện tại không chỉ là địa phương có dân số lớn nhất (trên 206.000 nhân khẩu) và nhiều đơn vị hành chính nhất (33 đơn vị hành chính cấp xã) của tỉnh Hà Tĩnh, mà trong mấy năm trở lại đây, địa phương này đạt tốc độ phát triển kinh tế rất nhanh nên cần phải tách ra để bảo đảm công tác quản lý nhà nước hiệu quả.
Cụ thể, trong giai đoạn 2012 - 2014, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của huyện Kỳ Anh đạt 23,3%, năm 2014 đạt 26,5%; tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ, du lịch chiếm trên 87%; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 33 triệu đồng/năm; thu ngân sách trên địa bàn đạt 1.349 tỷ đồng, chi ngân sách 566 tỷ đồng.
Khu vực thành lập thị xã Kỳ Anh có Khu kinh tế Vũng Áng (là một trong 5 khu kinh tế trọng điểm ven biển của cả nước), là khu kinh tế động lực với các ngành công nghiệp nặng lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á như luyện cán thép, nhiệt điện, lọc hóa dầu…, có cụm cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương, giữ vai trò quan trọng về an ninh - quốc phòng và giao thông hàng hải của khu vực và quốc tế.
Phan Hiển