In bài viết

Lẩu băng chuyền – Truyền thống kết hợp với phong cách công nghiệp

(Chinhphu.vn) - Lẩu băng chuyền, một kiểu ăn nghe cũng khá lạ tai, vì nó mới xuất hiện trong mấy năm gần đây ở Việt Nam, và vì nó là một kiểu ăn được lắp ghép từ hai kiểu ăn ngoại nhập: lẩu - cách ăn đặc trưng của những vùng khí hậu hàn đới, với băng chuyền, một từ rất công nghiệp, của sushi băng chuyền Nhật Bản.

09/07/2011 10:17

Lẳu băng chuyền

Ẩm thực băng chuyền không phải là kiểu ăn lạ lẫm gì trên thế giới, bởi từ những năm cuối của thập niên 50 của thế kỷ trước, ở Osaka, một người đàn ông Nhật Bản đã nảy ra ý tưởng về kiểu ăn này, khi một lần tình cờ nhìn thấy dây chuyền chuyển bia trong nhà máy.

Thế rồi sushi băng chuyền đã nhanh chóng có mặt trên khắp nước Nhật, nó là một hình thức ăn uống bình dân và rẻ tiền, vốn dành cho giới lao động nhưng hầu hết người Nhật đều thích, một phần cũng vì giá rẻ. Người nước ngoài khi đến Nhật cũng chuộng kiểu ăn này, bởi họ có thể thoải mái lựa chọn thứ mình thích mà không cần phải biết tiếng Nhật.

Lẩu băng chuyền, một kiểu ăn nghe cũng khá lạ tai, vì nó mới xuất hiện trong mấy năm gần đây ở Việt Nam, và vì nó là một kiểu ăn được lắp ghép từ hai kiểu ăn ngoại nhập: lẩu băng chuyền.

Lẩu băng chuyền ra đời như một phát kiến của nghệ thuật ẩm thực. Nó là sự kết hợp của hai kiểu ăn mới, vừa rất phù hợp với nhịp sống hiện đại, vừa thích ứng với nhiều kiểu khẩu vị. Và cũng chính vì điều này mà các nhà hàng lẩu băng chuyền đã phát triển rất nhanh ở những đô thị lớn ở Việt Nam.

Vào một nhà hàng lẩu băng chuyền, thực khách sẽ được mời vào ngồi bên một cái bàn dài, trước mặt là một cái bếp nhỏ có để sẵn nồi, còn phía trước là dây chuyền thức ăn, với thực đơn vô cùng phong phú, đang từ từ chạy vòng quanh rồi lại trở về nơi xuất phát- nhà bếp, để tiếp nhận thêm những món đã được thực khách lấy đi.

Trong mỗi nhà hàng lẩu băng chuyền đều có tới ba đến bốn loại nước lẩu, có nơi còn quảng cáo có tới năm, sáu loại, với những mùi vị rất đặc trưng để tùy khách hàng chọn lựa. Người ăn cay thường thích nước lẩu kiểu Thái Lan và nước lẩu Tứ Xuyên (Trung Quốc) - nhưng tất nhiên khi vào Hà Nội thì độ cay đã được giảm bớt cho phù hợp.

Tuy hai loại nước lẩu này đều có chung vị cay, nhưng mùi vị và cách điều chế cũng rất khác nhau: nước lẩu Tứ Xuyên phải có vị chua cay mặn ngọt và thoảng mùi thuốc bắc, còn nước lẩu Thái lại còn có mùi thơm của gừng và lá chanh tươi, với độ cay nồng đậm hơn của ớt và một chút vị ngọt của đường.

Nước lẩu theo kiểu Thượng Hải không cay mà lại hướng về sự thanh đạm nhưng rất bổ, bởi hơi nước tỏa ra có mang theo  hương vị của các loại thuốc Bắc như hoài sơn, kỷ tử, hồng táo…

Mùi vị của loại nước lẩu này cũng khá hợp với khẩu vị của người Việt, nên các nhà hàng cũng ít phải gia giảm.

Đối với nước lẩu gà thì mùi thơm đặc trưng sẽ là hành khô nướng, mùi gừng, mùi nấm hương, mùi sa tế, và thoáng qua mùi đương quy của thuốc bắc. Loại nước lẩu thập cẩm thì không có mùi thuốc bắc, mà chỉ hơi thoáng có mùi gừng, rất thích hợp để nhúng các loại rau cải, rau muống, mùng tơi. Cả hai loại nước lẩu này đều có thể ăn kèm thêm nấm tươi…

Tuy có nhiều loại nước lẩu, mỗi loại đều mang một hương vị riêng, thế nhưng nước lẩu nào thì cũng phải được ninh từ xương lợn, xương gà, chỉ riêng nước lẩu Nhật là hơi đặc biệt, được chắt lọc vị ngọt ngào từ các loại củ quả rồi chế biến, để phục vụ riêng cho những người ăn chay, ăn kiêng, và cả những người béo phì.

Khi chiếc nồi mini trước mặt khách đã được đổ đúng loại nước lẩu theo yêu cầu và ngọn lửa dưới đáy nồi cũng đã được bật lên, thì đấy cũng là lúc thực khách phải quan sát thực phẩm ăn kèm  để trên băng chuyền mà chọn món. Thông thường, trên băng chuyền sẽ có đầy đủ các loại, từ hải sản tươi sống đến những loại thịt vo viên, thịt thái lát mỏng, nội tạng động vật đã qua sơ chế, đến các loại nấm, củ quả, rau xanh…

Khi đến với ẩm thực trên băng chuyền, thực khách cũng cần tuân theo vài quy tắc, trong đó quan trọng nhất là khi các đĩa thực phẩm đã được lấy ra thì không được đặt ngược trở lại, kể cả khi chưa dùng đến, để đảm bảo phép lịch sự và vệ sinh.

Ăn lẩu băng chuyền thoải mái, nó thoải mái không phải bởi vì mình có thể ăn bao nhiêu tùy thích, lại không phải tốn sức đi lấy, mà thoải mái là vì bởi vẫn được ăn theo kiểu của mình dù có đi ăn cùng với vài người bạn, hoặc cả một tập thể.

Thế nhưng, dù mới lạ và hấp dẫn thì lẩu băng chuyền vẫn là một kiểu ăn nóng, nên nó chỉ thực sự thích hợp vào mùa đông, khi tiết trời lạnh giá ở miền Bắc. Tuy rằng đời sống hiện nay đang ngày càng hiện đại, những phòng ăn có gắn máy làm mát lạnh đã giúp cho thực khách có thể thưởng thức kiểu ăn này suốt cả bốn mùa. Thế nhưng đa số người đến thưởng thức lại là những người trẻ tuổi. Trong số đó, có lẽ đến vì tò mò muốn khám phá món ăn mới…

Điều này có thể lý giải theo một cách chủ quan rằng, có lẽ vì nhiều người đã có thói quen, được hình thành từ bao đời nay, đối với việc tuân theo triết lý âm dương trong ăn uống để phù hợp với môi trường. Nên dù rằng thị giác sẽ được thỏa mãn khi nhìn mấy chục thứ thực phẩm tươi ngon, được trang trí khá tỉ mỉ để trên băng chuyền chạy vòng qua trước mặt, nhưng với tiết trời nóng bức mà lại thực hiện một kiểu ăn nhiều thứ lộn xộn, nóng bỏng,  thì với không ít người, chưa hẳn phù hợp. Đó cũng là vấn đề phong cách ẩm thực ở nơi có bốn mùa phân chia rõ rệt.

Bùi Xuân Mỹ