In bài viết

Lấy ý kiến người dân về Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn

(Chinhphu.vn) - Các cơ quan quản lý, các nhà nghiên cứu văn hóa và lịch sử cùng người dân sẽ được lấy ý kiến để tìm ra phương án tối ưu cho Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn.

06/07/2017 15:12

Ảnh: Internet

Sở VH&TT TP.  Hải Phòng vừa có báo cáo gửi UBND Thành phố và Bộ VHTT&DL về sự cố con trâu số 18 húc chết chủ trong trận đấu thứ 14, vòng loại Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn (Hải Phòng) diễn ra ngày 1/7.

Theo báo cáo của Sở VH&TT Hải Phòng, sau sự việc trâu số 18 đang thi đấu bất ngờ bỏ chạy, húc vào ông Đinh Xuân Hướng là chủ trâu, Ban Tổ chức đã sơ cứu và đưa nạn nhân đi cấp cứu.

Ngay sau đó, Thanh tra Sở VH&TT Hải Phòng đã lập biên bản làm việc và đề nghị UBND quận Đồ Sơn, Ban Tổ chức Lễ hội khẩn trương báo cáo chi tiết toàn bộ sự việc về UBND Thành phố và Sở VH&TT.

Theo Khoản e Điều 12, Quy chế tổ chức Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn, quy định về trách nhiệm của chủ trâu, Ban Tổ chức lễ hội đã để chủ trâu tiếp cận trực tiếp với trâu chọi trong quá trình thi đấu, dẫn đến xảy ra sự cố.

Sở VH&TT đề nghị UBND TP. Hải Phòng chỉ đạo tạm dừng việc tổ chức Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn năm 2017. Trường hợp tiếp tục tổ chức Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn những năm tiếp theo thì phải dựa trên cơ sở bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của di sản văn hóa, nhấn mạnh tổ chức các nghi lễ truyền thống tại địa phương bảo đảm tính trang trọng.

Đồng thời, Sở VH&TT Hải Phòng đề nghị UBND quận Đồ Sơn rà soát, chỉnh sửa, bổ sung Quy chế tổ chức lễ hội chọi trâu. Bỏ việc tổ chức vòng đấu loại, chỉ tổ chức vòng đấu chung kết vào đúng ngày 9/8 âm lịch theo lễ hội truyền thống; quán triệt việc thực hiện nghiêm Quy chế tổ chức Lễ hội chọi trâu, yêu cầu bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người điều khiển trâu và khách tham quan.

Sáng 5/7, tại cuộc họp với UBND quận Đồ Sơn, các chủ trâu cũng bày tỏ mong muốn tiếp tục duy trì lễ hội chọi trâu và đề xuất một số biện pháp để giữ an toàn như: Trâu thi đấu sẽ được đeo khuyên mũi để dễ kiểm soát, sới chọi được thu hẹp, xây dựng đường bắt trâu hình chữ chi, lấy mẫu nước tiểu trâu để kiểm tra chất kích thích.

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Trịnh Thị Thuỷ cho rằng Lễ hội chọi trâu đã sống và đi vào tâm thức của người dân miền biển từ rất lâu. Khi được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể nghĩa là lễ hội này phải có giá trị nhất định về mặt văn hóa, tâm linh, thỏa mãn được nhu cầu văn hóa tín ngưỡng của cộng đồng.

Tuy nhiên, cách tổ chức như hiện nay coi nhẹ phần lễ, ít giới thiệu các giá trị tín ngưỡng, tâm linh, văn hóa của lễ hội mà chỉ chủ yếu nhấn vào phần chọi trâu, phần nhỏ của lễ hội.

Theo bà Trịnh Thị Thuỷ, làm như vậy tức là việc tổ chức đang lệch ra khỏi hồ sơ lễ hội đã được công nhận. Vì vậy, Bộ VănVHTT&DL yêu cầu các đơn vị chức năng của TP. Hải Phòng phải đưa lễ hội chọi trâu trở về đúng với bản chất văn hóa truyền thống, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng, đời sống lành mạnh của cộng đồng.

Bộ VHTT&DL sẽ phối hợp với UBND TP. Hải Phòng, các nhà nghiên cứu, quản lý và văn hóa cùng cộng đồng người dân tổ chức thảo luận công khai để tìm ra phương án bảo tồn, phát huy được giá trị di sản của Lễ hội chọi trâu nhưng phải đáp ứng được yêu cầu an ninh, an toàn.

Phương Liên