Ảnh minh họa |
Thực hiện Luật Quy hoạch, Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu và Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 31 tháng 7 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ lập quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, các địa phương liên quan tổ chức lập Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trong quá trình nghiên cứu, xây dựng quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long phân tích, đánh giá, dự báo về các yếu tố, điều kiện, nguồn lực, bối cảnh phát triển, đánh giá thực trạng phát triển kinh tế - xã hội của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đề xuất các quan điểm chỉ đạo và mục tiêu, các định hướng ưu tiên phát triển làm cơ sở lập quy hoạch. Trên cơ sở ý kiến góp ý của các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thiện dự thảo Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Việc lập Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm: Xác định phương hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bổ nguồn lực cho các hoạt động kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh, bảo vệ môi trường có tính liên ngành, liên vùng và liên tỉnh trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực nhằm phát triển vùng ĐBSCL đến năm 2050 trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước.
Đồng thời, xây dựng phương hướng phát triển ngành có lợi thế của vùng; xây dựng phương hướng bảo vệ môi trường, khai thác bảo vệ tài nguyên nước lưu vực sông, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu trên lãnh thổ vùng…
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo này tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ.
Khánh Linh