In bài viết

Lễ hội Cà phê đánh thức tiềm năng vùng đất Tây Nguyên

Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 3 – năm 2011 sẽ diễn ra từ ngày 12 đến 15/3/2011. Đây là cơ hội để Đăk Lăk khai phá và đánh thức tiềm năng của vùng đất Tây Nguyên. Vietnam.vn đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Hữu Thịnh - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đăk Lăk về sự kiện này.

18/02/2011 16:08


- Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột 2011 có những điểm gì đặc biệt so với các năm trước, thưa ông?

Đắk Lắk là tỉnh có diện tích và sản phẩm cà phê xuất khẩu lớn nhất cả nước, với diện tích 182.343ha và sản lượng thu hoạch hàng năm đạt trên 400.000 tấn, chiếm 40% sản lượng cả nước. Kim ngạch xuất khẩu cà phê của tỉnh hàng năm chiếm trên 80% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, đến 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Ngành cà phê luôn đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Từ năm 2005 trở lại đây, nhằm phát huy tối đa nội lực, nâng cao hiệu quả về kinh tế của ngành cà phê nói chung, cà phê Đắk Lắk nói riêng, đồng thời đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu cho thương hiệu mang tên gọi xuất xứ hàng hóa “Cà phê Buôn Ma Thuột”; tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức “Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột” lần thứ 1 năm 2005 và lần thứ 2 năm 2008 nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cà phê trong và ngoài nước quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại, từng bước nâng cao kiến thức trong sản xuất, chế biến cà phê; đồng thời, chất lượng sản phẩm cà phê và kim ngạch xuất khẩu ngày được tăng cao. Qua các lần tổ chức, Lễ hội cà phê đã thu hút được nhiều lượt khách tham quan và quy tụ được nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia: Lễ hội lần thứ nhất thu hút được trên 300.000 lượt khách tham quan và quy tụ được 106 doanh nghiệp trong và ngoài nước với 400 gian hàng; Lễ hội lần thứ 2 với quy mô lớn hơn thu hút được trên 350.000 lượt khách tham quan, quy tụ 145 doanh nghiệp với trên 450 gian hàng.
Sự khác biệt là lợi thế cạnh tranh của mỗi quốc gia, mỗi địa phương trong bối cảnh hiện nay. Dựa trên thế mạnh của vùng đất Tây Nguyên là cà phê cùng những giá trị của cà phê đã được Việt Nam và thế giới công nhận, chúng tôi quyết định lấy cà phê là nhân tố chủ đạo cho sự phát triển của thành phố Buôn Ma Thuột và tỉnh Đắk Lắk. Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột là một hoạt động quan trọng để thực hiện mục tiêu đó qua con đường giao lưu văn hóa, liên kết thương mại, trong đó nhấn mạnh đến sự khác biệt, độc đáo của lễ hội.
Với mong muốn tổ chức một chương trình lễ hội đặc sắc, tạo tiền đề tiến đến một lễ hội cà phê mang tầm vóc quốc tế, “Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột” lần thứ 3 - năm 2011 được thiết kế với 3 điểm khác biệt: Tầm vóc của lễ hội, tính quần chúng và nhiều chương trình lần đầu tiên được tổ chức tại lễ hội. Du khách đến với lễ hội sẽ có những giây phút thăng hoa cùng cà phê và hòa mình vào những hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc.

Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột (ảnh minh họa)

Điều đặc biệt nhất của Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột là lần đầu tiên “Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột” chính thức được Thủ tướng Chính phủ công nhận là một lễ hội mang cấp quốc gia, tổ chức định kỳ 2 năm một lần vào tháng 3. Đây là chính là thời điểm đẹp nhất trong năm ở Tây Nguyên, và cũng là dịp có rất nhiều sự kiện văn hóa. Tại Lễ hội lần này sẽ đưa vào hoạt động thí điểm mô hình giao dịch cà phê theo kỳ hạn theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, từ đó sẽ giúp cho các người dân và doanh nghiệp tiếp cận các phương thức mua bán cà phê tiên tiến và phù hợp với xu hướng mua bán cà phê của thị trường thế giới hiện nay. Cà phê lần đầu tiên chính thức trở thành hình ảnh đại diện cho Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế ra thế giới, cũng như khẳng định cà phê là nhân tố mới cho mô hình phát triển bền vững trước những nguy cơ khủng hoảng toàn cầu mà Việt Nam đang tiên phong xây dựng.

- Điểm nhấn của lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột 2011?

Lễ hội được tổ chức với quy mô lớn nhất mang tầm quốc gia, có nhiều nội dung, chương trình phong phú, gồm các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch hấp dẫn như: Lễ khai mạc với chủ đề “Tạ ơn cà phê”, thi “Duyên dáng Việt Nam” lần thứ 24 gắn với chủ đề về cà phê, chương trình “Cách cà phê nói”, chương trình biểu diễn nghệ thuật của các tỉnh Tây Nguyên, các “Tour du lịch cà phê”, Lễ hội đường phố “Hội tụ cảm xúc”, chương trình bế mạc với đề tài “Đêm thế giới cà phê”…
Điểm nhấn của Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột 2011 là những sân khấu mở, nhiều không gian sinh hoạt nghệ thuật, triển lãm giao lưu... được tổ chức tại nhiều địa điểm trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột trong suốt thời gian diễn ra lễ hội. Đây sẽ là sân chơi của quần chúng và chính họ là nhân tố quan trọng đem lại thành công cho chương trình. Với quy mô quốc gia và mang tầm nhìn quốc tế ấy, tất cả các nội dung hoạt động của Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần này đều được cà phê hóa, tạo nên một thế giới cà phê nhiều màu sắc và hương vị với nhiều chương trình hoạt động lần đầu tiên diễn ra tại lễ hội.
Chương trình “Duyên dáng Việt Nam 24” lần đầu tiên tham gia với chủ đề “Huyền thoại cà phê” do nghệ sỹ Tất My Loan làm đạo diễn. Cũng trong chương trình lễ hội, Bảo tàng cà phê thế giới lần đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam với hơn 10.000 hiện vật cùng các hiện vật bảo tàng văn hóa Tây Nguyên sẽ được chính thức khai trương tại “Làng cà phê Trung Nguyên”, và trưng bàytại bảo tàng tỉnh Đắk Lắk. Đồng thời, các đoàn nghệ thuật các tỉnh Tây Nguyên cùng với các đoàn nghệ thuật đến từ những quốc gia trồng cà phê trên thế giới sẽ giới thiệu những nét đẹp văn hóa cà phê đặc trưng của mỗi dân tộc, quốc gia.

Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột (ảnh minh họa)

Ngoài ra, UBND tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Bộ NNPTNT, Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam lần đầu tiên tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “Phát triển cà phê Buôn Ma Thuột bền vững”, với sự tham gia của các khách mời là các chuyên gia có uy tín của Việt Nam và 150 đại biểu quốc tế là đại diện các nước sản xuất cà phê như : Brazil, Columbia, Indonesia, Ethiopia …cùng bắt tay hợp tác để xóa bỏ những nghịch lý mà các quốc gia trồng cà phê đang phải gánh chịu.
Thông qua Lễ hội, tỉnh Đắk Lắk mong muốn người tiêu dùng cà phê trong và ngoài nước hiểu thêm về cuộc sống của người trồng cà phê và nhận biết được các công đoạn từ trồng, chế biến cho đến khi có được ly cà phê thơm ngon. Qua đó thấy được giá trị của hạt cà phê Việt Nam và thúc đẩy ngành Cà phê phát triển một cách bền vững. Dự kiến “Vua bóng đá” Pele sẽ đến Việt Nam dự lễ hội với tư cách đại sứ thiện chí, đại diện cho đoàn Brazil, đất nước xuất khẩu cà phê nhiều nhất thế giới.

- Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột năm 2011 có hướng đến các hoạt động quảng bá thương hiệu cà phê để thu hút khách du lịch nước ngoài đến với Tây Nguyên?

Đối với Đắk Lắk, Lễ hội cà phê là cơ hội giới thiệu, quảng bá, giúp khai phá và đánh thức tiềm năng đầu tư, du lịch bản địa, giàu bản sắc văn hóa của vùng đất Tây Nguyên - đưa Buôn Ma Thuột thành một trung tâm du lịch văn hóa đặc sắc, với nhiều gói du lịch giá trị và nhiều dịch vụ đầu tư thương mại bổ trợ du lịch, góp phần thúc đẩy kinh tế tỉnh Đắk Lắk. Hiện nay, ngành du lịch đang nỗ lực vươn đến mục tiêu tự làm mới sản phẩm du lịch mang đậm chất đặc trưng văn hóa - lịch sử vùng đất. Ngoài thương hiệu Voi ở Buôn Đôn, một sản phẩm du lịch được xem là đặc thù, khu biệt đó là “du lịch cà phê” đang được các đơn vị kinh doanh du lịch đầu tư, khai thác.
Với ý tưởng biến hoạt động sản xuất, chế biến và kinh doanh cà phê thành một sản phẩm du lịch độc đáo, một số công ty du lịch lữ hành như Đam San, Dak Lak Touris đã xây dựng lộ trình đưa du khách tham quan, trải nghiệm sản phẩm mới mẻ này tại nhiều điểm như: Công ty cà phê Thắng Lợi, Việt Đức, Phước An… Những vườn cà phê sạch cho năng suất cao, cùng cơ sở chế biến cà phê nhân, cà phê bột của các công ty này đang trở thành địa chỉ hấp dẫn và quen thuộc của du khách khi đến Dak Lak. Không dừng lại ở chỗ thăm thú, thưởng ngoạn cà phê trong các vườn cây, cơ sở chế biến, nhiều tour du lịch lữ hành đã từng bước dẫn dắt du khách tìm hiểu, nghiên cứu và khám phá các giá trị văn hóa, lịch sử liên quan mật thiết đến cà phê. Và điểm dừng chân hấp dẫn luôn là Làng cà phê Trung Nguyên.

Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột (ảnh minh họa)

Ngoài việc thưởng thức cà phê, khách còn có cơ hội thư giãn trong khoảng không gian rộng lớn với những bản nhạc về Tây nguyên, được thưởng ngoạn vườn cà phê thu nhỏ và cả một bảo tàng mini trong nhà dài của người Êđê với nhiều hiện vật đặc tả đời sống các dân tộc thiểu số ở đây…Ban tổ chức cũng tích cực quảng cáo trên các phương tiện truyền thông, thông tin đại chúng. Trong đó quảng bá về Lễ hội cà phê trên các kênh truyền hình VTV1, VTV4, VTC và các đài truyền hình các tỉnh Tây Nguyên bằng hình ảnh, video clip với thời lượng từ 15 - 30 giây thường xuyên trước thời gian diễn ra Lễ hội để thu hút khách du lịch quốc tế.

- Trong thời gian qua, Việt Nam đã có những đóng góp gì để thể hiện vai trò, vị trí là một nước xuất khẩu cà phê lớn trên thị trường thế giới?
Có 3 nấc thang trong hội nhập của Việt Nam cần được nhắc tới. Nấc thang đầu tiên là năm 1995, khi chúng ta gia nhập ASEAN và cùng với đó là tham gia vào Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), chính thức hội nhập với khu vực.Nấc thang thứ hai là vào năm 2000, chúng ta ký Hiệp định Thương mại song phương với Hoa Kỳ (BTA) theo chuẩn mực của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) với nền kinh tế lớn nhất toàn cầu. Nấc thang thứ ba năm 2006, Việt Nam kết thúc đàm phán và năm 2007, chính thức trở thành thành viên thứ 150 của WTO và cũng là chính thức hội nhập với toàn cầu. Điều này đã giúp nền kinh tế Việt Nam đi từ hội nhập khu vực, đến hợp tác song phương với nước lớn và cuối cùng là với toàn cầu.
Đến nay, cà phê vẫn là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam, tạo nguồn thu ngoại tệ, việc làm và góp phần xóa đói giảm nghèo trên diện rộng.Xét về giá trị, kim ngạch xuất khẩu cà phê Việt Nam từ năm 2001 đến nay tăng liên tục với mức trung bình gần 31%/năm. Riêng 2 năm sau khi nước ta gia nhập WTO, kim ngạch xuất khẩu cà phê tăng tới 53% và đạt mức 2,3 tỷ USD trong năm 2008. Như vậy, cà phê là một trong không nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực, với kim ngạch từ 2 tỷ USD trở lên.
Việt Nam trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới, với những đối tác và bạn hàng nhập khẩu ổn định, ở khắp các châu lục, trong đó có một số thị trường lớn, sức mua cao và ổn định như Tây Ban Nha, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Hoa Kỳ, Bỉ…Bộ Công thương nhận xét, việc Việt Nam gia nhập WTO đã trực tiếp mang lại nhiều cơ hội cho xuất khẩu cà phê, các bạn hàng quốc tế tin tưởng và có điều kiện tiếp cận với nhiều cơ hội giao thương hơn. Việc điều tra thị trường, tìm hiểu và ký kết hợp đồng thương mại cũng diễn ra nhanh và thuận lợi hơn, nhất là nếu diễn ra giữa doanh nghiệp (DN) Việt Nam với DN của một nước thành viên WTO.

Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột (ảnh minh họa)

Việc Việt Nam tham gia Tổ chức cà phê quốc tế (ICO) trong năm 2001 đã mang lại những lợi ích thiết thực như : Tham mưu cho Chính phủ ký Hiệp định quốc tế cà phê 2001, được Hội đồng cà phê quốc tế chấp nhận là thành viên của Ban Tư vấn Thành phần Cà phê Tư nhân trong ICO (gồm 8 nước).Với Hiệp hội các nước sản xuất cà phê (ACPC) và các Hiệp hội cà phê các nước bạn, ủng hộ và phối hợp với ACPC thực hiện chương trình lưu giữ cà phê nhân nhằm nâng giá, bảo vệ quyền lợi của người trồng cà phê. Quan hệ chặt chẽ với Hiệp hội cà phê Indonesia, ấn độ, Brazil, Colombia, phối hợp các biện pháp hạn chế việc giảm giá cà phê trên thế giới và khu vực.
Đẩy mạnh các hoạt động, xúc tiến xây dựng các chương trình, dự án để cải tiến, nâng cao chất lượng cà phê, nâng cao trình độ cho cán bộ trong ngành, tìm nguồn vốn thực hiện các dự án đó: Tổ chức lớp bồi dưỡng về thị trường kỳ hạn cà phê với sự trợ giúp của Sở giao dịch; SICOM Singapore; xây dựng dự án: Nâng cao chất lượng cà phê VN, ngăn ngừa sự hình thành nấm mốc bằng nguồn vốn của FAO; tham gia dự án nâng cao chất lượng cà phê Robusta ở Quảng trị (hợp tác giữa tổ chức GTZ của Đức và 2 tập đoàn cà phê lớn tại Công ty Hồ tiêu Tân lâm). Việc duy trì quan hệ với ICO ( Tổ chức cà phê quốc tế ) trong xu thế hiện nay góp phần không nhỏ vào sự phát triển của ngành cà phê Việt Nam. Nó giúp cho ngành cà phê Việt Nam luôn có một chỗ đứng trên thị trường thế giới. Ngoài ra còn phối hợp với các nước bạn trong các vấn đề về chất lương sản phẩm, giá của sản phẩm hòa nhập với nhu cầu của thị trường thế giới. Nhờ đó mà có thể khẳng định sản phẩm cà phê Việt Nam đã tạo dựng được “một chỗ đứng” vững chắc trong “sân chơi” chuyên nghiệp của thị trường thế giới.

- Cám ơn ông!

File đính kèm: