Ông Deva cho biết, dù chịu tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 và các cuộc xung đột, Việt Nam đã đạt được bước tiến ấn tượng trong giảm nghèo đa chiều.
Việt Nam cũng đang đạt được những tiến bộ trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững và giảm phát thải để đáp ứng cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Báo cáo viên đặc biệt nhấn mạnh ba thách thức hiện tại, đó là quy trình, sự tham gia và hành tinh. Chính phủ Việt Nam cần cải thiện quy trình phê duyệt các dự án hiện hành, bao gồm những dự án do các đối tác phát triển và các tổ chức phi Chính phủ quốc tế tài trợ, nhằm thực hiện các mục tiêu SDG để bảo đảm rằng những người cần hỗ trợ ở các tỉnh, thành phố khác nhau được hưởng lợi nhiều hơn.
Bình luận về tình trạng dễ bị tổn thương của Việt Nam trước biến đổi khí hậu, Báo cáo viên đặc biệt nhấn mạnh, Chính phủ, các cơ quan LHQ, các đối tác phát triển, doanh nghiệp và tổ chức phi Chính phủ cần phối hợp với nhau để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng có khả năng sắp xảy ra.
Để đảm bảo phát triển bền vững, ông Deva khuyến nghị, Chính phủ cần hành động nhiều hơn nữa để ứng phó với ba khủng hoảng của hành tinh về biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và mất đa dạng sinh học.
Theo đó, cần áp dụng các phương pháp tiếp cận phát triển có sự tham gia thực sự-trong đó tích hợp các nguyên tắc: Tính liên tầng, công bằng giữa các thế hệ, phân phối công bằng và quyền tự quyết - để đạt được chuyển dịch công bằng sang kinh tế xanh, Báo cáo viên khuyến nghị thêm.
Báo cáo chi tiết của Báo cáo viên đặc biệt về chuyến thăm và khuyến nghị của ông sẽ được trình lên Hội đồng Nhân quyền vào tháng 9/2024./.
Thùy Dung