In bài viết

Lịch sử và nội dung cơ bản của Công ước Vienna 1980

(Chinhphu.vn) - Công ước Vienna 1980 của Liên Hợp Quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (viết tắt theo tiếng Anh là CISG - Convention on Contracts for the International Sale of Goods) được Ủy ban của Liên Hợp Quốc về Luật Thương mại quốc tế (UNCITRAL) soạn thảo trong một nỗ lực hướng tới việc thống nhất nguồn luật áp dụng cho hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế.

09/12/2016 10:08

Công ước Vienna 1980 có hiệu lực tại trên 80 quốc gia (được đánh dấu màu xanh trên bản đồ).

Trên thực tế, nỗ lực thống nhất nguồn luật áp dụng cho hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế đã được khởi xướng từ những năm 30 của thế kỷ XX với sự ra đời của hai Công ước La Haye năm 1964. Tuy nhiên, hai Công ước này rất ít được sử dụng trên thực tế bởi nhiều lý do khác nhau.

Năm 1968, trên cơ sở yêu cầu của đa số các thành viên Liên Hợp Quốc, UNCITRAL đã khởi xướng việc soạn thảo một Công ước thống nhất về pháp luật nội dung áp dụng cho hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế nhằm thay thế cho hai Công ước La Haye năm 1964.

Được soạn thảo dựa trên các điều khoản của hai Công ước La Haye, song Công ước Vienna 1980 có những điểm đổi mới và hoàn thiện cơ bản. Công ước này được thông qua tại Vienna (Austria) ngày 11/4/1980 tại Hội nghị của Ủy ban của Liên Hợp Quốc về Luật Thương mại quốc tế và có hiệu lực từ ngày 1/1/1988 (khi có 10 quốc gia phê chuẩn, theo Điều 99 của Công ước).

Ngày 18/12/2015, Việt Nam đã chính thức phê duyệt việc gia nhập để trở thành viên thứ 84 của CISG. Trong khối ASEAN, Việt Nam là thành viên thứ 2 sau Singapore gia nhập Công ước quan trọng này.

Công ước Vienna 1980 gồm 101 Điều, được chia làm 4 phần với các nội dung chính sau (độc gia quan tâm tới nội dung chi tiết của Công ước Vienna 1980 có thể tham khảo qua bản dịch tiếng Việt của Trung tâm WTO tại đây hoặc bản tiếng Anh trên trang web của UNCITRAL tại đây).

Phần 1: Phạm vi áp dụng và các quy định chung (Điều 1-13)

Như tên gọi của nó, phần này quy định trường hợp nào CISG được áp dụng (từ Điều 1 đến Điều 6), đồng thời nêu rõ nguyên tắc trong việc áp dụng CISG, nguyên tắc diễn giải các tuyên bố, hành vi và xử sự của các bên, nguyên tắc tự do về hình thức của hợp đồng. Công ước cũng nhấn mạnh đến giá trị của tập quán trong các giao dịch mua bán hàng hóa quốc tế.

Phần 2: Xác lập hợp đồng (trình tự, thủ tục ký kết hợp đồng- Điều 14-24)

Trong phần này, với 11 điều khoản, Công ước đã quy định khá chi tiết, đầy đủ các vấn đề pháp lý đặt ra trong quá trình giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Điều 14 của Công ước định nghĩa chào hàng, nêu rõ đặc điểm của chào hàng và phân biệt chào hàng với các “lời mời chào hàng”. Các vấn đề hiệu lực của chào hàng, thu hồi và hủy bỏ chào hàng được quy định tại các điều 15, 16 và 17. Đặc biệt, tại các Điều 18, 19, 20 và 21 của Công ước có các quy định rất chi tiết, cụ thể về nội dung của chấp nhận chào hàng; khi nào và trong điều kiện nào, một chấp nhận chào hàng là có hiệu lực và cùng với chào hàng cấu thành hợp đồng; thời hạn để chấp nhận, chấp nhận muộn; kéo dài thời hạn chấp nhận. Ngoài ra, Công ước còn có quy định về thu hồi chấp nhận chào hàng, thời điểm hợp đồng có hiệu lực.

Về vấn đề xác lập hợp đồng mua bán, CISG thừa nhận quy tắc chào hàng -  chấp nhận chào hàng (offer-acceptance rule).

Phần 3: Mua bán hàng hóa (Điều 25-88)

Với tên gọi là “mua bán hàng hóa”, nội dung của phần 3 là các vấn đề pháp lý trong quá trình thực hiện hợp đồng. Phần này được chia thành 5 chương gồm những quy định chung; nghĩa vụ của người bán; nghĩa vụ của người mua; chuyển rủi ro; các điều khoản chung về nghĩa vụ của người bán và người mua.

Đây là phần có số lượng điều khoản lớn nhất, cũng là phần chứa đựng những quy phạm hiện đại, tạo nên ưu việt của CISG. Nghĩa vụ của người bán và người mua được quy định chi tiết, trong hai chương riêng, giúp cho việc đọc và tra cứu của các doanh nhân trở nên dễ dàng.

Về nghĩa vụ của người bán, Công ước quy định rất rõ nghĩa vụ giao hàng và chuyển giao chứng từ, đặc biệt là nghĩa vụ bảo đảm tính phù hợp của hàng hóa được giao (về mặt thực tế cũng như về mặt pháp lý). Công ước nhấn mạnh đến việc kiểm tra hàng hóa được giao (thời hạn kiểm tra, thời hạn thông báo các khiếm khuyết của hàng hóa). Những quy định này rất phù hợp với thực tiễn và đã góp phần giải quyết có hiệu quả các tranh chấp phát sinh có liên quan. Nghĩa vụ của người mua, gồm nghĩa vụ thanh toán và nghĩa vụ nhận hàng, được quy định tại các điều từ Điều 53 đến Điều 60.

Công ước Vienna 1980 không có một chương riêng về vi phạm hợp đồng và chế tài do vi phạm hợp đồng. Các nội dung này được lồng ghép trong chương II, chương III và chương V. Trong chương II và chương III, sau khi nêu các nghĩa vụ của người bán và người mua, Công ước đề cập đến các biện pháp áp dụng trong trường hợp người bán hay người mua vi phạm hợp đồng. Cách sắp xếp điều khoản như vậy, một mặt, làm cho việc tra cứu rất thuận lợi; mặt khác, cho thấy được tinh thần của các nhà soạn thảo CISG là tạo ra sự bình đẳng về mặt pháp lý cho người bán và người mua trong hợp đồng mua bán hàng hóa.

Phần 4: Các quy định cuối cùng (Điều 89-101)

Phần này quy định về các thủ tục để các quốc gia ký kết, phê chuẩn, gia nhập Công ước, các bảo lưu có thể áp dụng, thời điểm Công ước có hiệu lực và một số vấn đề khác mang tính chất thủ tục khi tham gia hay từ bỏ Công ước này.

T. Minh (theo Trung tâm WTO)