Ảnh minh họa |
Cụ thể, Bộ Giáo dục và đào tạo yêu cầu phải quy định rõ quyền lợi của người học ở phương diện phương án xử lý rủi ro, nhất là khi chương trình liên kết đào tạo bị gián đoạn hoặc kết thúc trước thời hạn.
Cơ sở đào tạo và bên liên kết tổ chức hoạt động liên kết đào tạo phải bồi hoàn học phí cho người học nếu vi phạm quy định dẫn đến việc người học không được cấp bằng hoặc văn bằng được cấp không được công nhận ở nước nơi cơ sở giáo dục đại học nước ngoài đặt trụ sở chính.
Ngoài ra, Thông tư cũng quy định nội dung về bảo đảm chất lượng giáo dục trong đề án thực hiện liên kết đào tạo với nước ngoài phải mô tả rõ về: Cơ sở vật chất, thiết bị, cổng thông tin điện tử, hệ thống máy chủ và hạ tầng kết nối mạng Internet, hệ thống quản lý học tập, hệ thống quản lý nội dung học tập, học liệu điện tử phục vụ cho hoạt động tổ chức, quản lý liên kết đào tạo trực tuyến; việc đáp ứng đầy đủ các quy định đối với giảng viên tham gia thực hiện chương trình liên kết.
Đồng thời quy định về bảo đảm chất lượng để người học tốt nghiệp chương trình liên kết đào tạo tại Việt Nam được nhận văn bằng do cơ sở giáo dục đại học nước ngoài cấp so sánh được với văn bằng cấp cho người học tốt nghiệp tại trụ sở chính của cơ sở giáo dục đại học ở nước ngoài.
Cơ sở đào tạo Việt Nam và cơ sở giáo dục đại học nước ngoài thực hiện chương trình liên kết đào tạo theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến bảo đảm thời lượng giảng dạy theo phương thức trực tuyến không quá 30% tổng thời lượng giảng dạy của chương trình.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ 20/11/2020.
Lan Phương