Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ là hết sức cần thiết
TS. Doãn Hữu Tuệ phân tích, Đảng ta đã xác định xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ là mục tiêu xuyên suốt và nhất quán kể từ khi nước ta thực hiện công cuộc đổi mới nền kinh tế đến nay. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, yêu cầu này càng trở nên cấp thiết hơn khi diễn biến kinh tế thế giới ngày càng phức tạp, khó lường. Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, khủng hoảng nợ công châu Âu năm 2009 cho đến đại dịch COVID-19 và mới đây là diễn biến căng thẳng từ cuộc xung đột tại Ukraine đã làm chậm lại xu thế tăng trưởng của kinh tế toàn cầu so với giai đoạn trước, trong đó có những đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam.
Cùng với tăng trưởng chậm lại, hoạt động thương mại toàn cầu vài năm gần đây cũng đã chững lại đáng kể, trong khi chủ nghĩa bảo hộ có xu hướng gia tăng. Toàn cầu hóa tuy vẫn là xu hướng chủ đạo nhưng sự thay đổi của khoa học, công nghệ và tương quan lực lượng giữa các cường quốc đã tác động mạnh mẽ đến xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế theo hướng tăng cường các liên kết kinh tế song phương. Bên cạnh đó, môi trường kinh tế thế giới thay đổi đã khiến cho việc xây dựng và thực hiện các mục tiêu kinh tế vĩ mô của Việt Nam chịu không ít thách thức.
Chuyên gia Doãn Hữu Tuệ nhấn mạnh là một nước có độ mở kinh tế lớn, mức độ hội nhập ngày càng sâu rộng thì đây là cơ hội mở ra cho Việt Nam không nhỏ. Nhưng sự phụ thuộc nhiều vào kinh tế bên ngoài cũng đặt Việt Nam trước nhiều khó khăn và dễ bị tổn thương trước các cú sốc của kinh tế toàn cầu. Thực tế cho thấy các bất ổn của thị trường tài chính, thương mại, hàng hóa trên thế giới những năm gần đây đều có tính lan truyền cao và Việt Nam cũng không tránh khỏi bị ảnh hưởng.
Trong khi đó, rất nhiều nguồn nội lực của Việt Nam chưa được khai thác hiệu quả. Mặt khác, thành quả sau nhiều năm hội nhập, kinh tế Việt Nam có sự khởi sắc nhưng vẫn còn chậm so với các nước trong khu vực. Trong bối cảnh căng thẳng chính trị, căng thẳng thương mại có nguy cơ lan rộng, việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ để có thể đứng vững trước các cú sốc của kinh tế thế giới có ý nghĩa rất quan trọng nhằm tạo tiền đề cho nước ta phát triển ổn định, bền vững và có đủ tiềm lực để hạn chế một cách tối đa những tổn thất bất lợi do các cú sốc từ bên ngoài gây ra.
Tại các hội nghị và diễn đàn lớn diễn ra gần đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đều nhấn mạnh: Việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với nước ta trong tình hình mới. Trong hơn 35 năm Đổi mới, chính việc thực hiện hiệu quả chủ trương này đã góp phần làm nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Gần đây, qua hơn 2 năm phòng, chống dịch COVID-19, tuy có những lúc bị động, lúng túng, song đến nay chúng ta đã kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, kinh tế-xã hội đang phục hồi nhanh. Điều này vừa cho thấy việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả là đòi hỏi khách quan, đồng thời là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta, dân tộc ta.
Ở Việt Nam, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ là vấn đề không phải bây giờ mới đặt ra. Đây là chủ trương nhất quán, xuyên suốt và được xác định rõ trong Cương lĩnh, Hiến pháp, Nghị quyết của Đảng. Với mục tiêu như Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra là đến năm 2025 nước ta là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Qua phát biểu của Thủ tướng, chuyên gia này cho rằng để thực hiện mục tiêu trên, chúng ta phải lấy lợi ích quốc gia dân tộc là mục tiêu cao nhất gắn với kết nối hoà bình, hợp tác, phát triển trong khu vực và trên thế giới; thể hiện rõ vai trò là thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế và dựa trên cơ sở 3 trụ cột là: Xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa.
TS. Doãn Hữu Tuệ khẳng định: Trong bối cảnh hội nhập, nền kinh tế độc lập, tự chủ được hiểu là nền kinh tế có khả năng thích ứng cao với những biến động, bất ổn của tình hình quốc tế.
Để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ phải có 2 yếu tố cơ bản. Thứ nhất, quốc gia phải độc lập, tự chủ trong việc xây dựng đường lối, chính sách về phát triển kinh tế- xã hội. Thứ hai, để một nền kinh tế có tính độc lập, tự chủ thì cần phải đảm bảo có nội lực đủ mạnh về năng lực sản xuất của nền kinh tế; có cơ cấu kinh tế hợp lý cũng như đảm bảo về việc duy trì khu vực tài chính lành mạnh, hiệu quả, có khả năng chống chịu các cú sốc từ bên ngoài, bao gồm cả khu vực tài chính công.
Linh hoạt các công cụ của chính sách tài khóa - tiền tệ để ổn định vĩ mô
TS. Doãn Hữu Tuệ khẳng định các giải pháp chính sách tài khóa được áp dụng trong năm 2021 và đặc biệt trong các năm 2022-2023 theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội khá toàn diện, kịp thời. Qua đó, chỉ số tăng trưởng GDP năm 2022 đã đạt 8,02%. Nhiều tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá tích cực về tình hình kinh tế- xã hội của Việt Nam và dự báo lạc quan về tốc độ tăng trưởng năm 2023.
Cụ thể, trong Báo cáo tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý IV/2022 và triển vọng 2023 do bộ phận Global Economics & Markets Research của Ngân hàng UOB (Singapore) thực hiện, UOB giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023 ở mức 6,6%, nhất quán với dự báo chính thức là 6,5%. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đạt 6,2% trong năm 2023, còn Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo mức 6,7%. Đây là triển vọng lạc quan so với triển vọng khá u ám ở những nền kinh tế khác.
TS. Doãn Hữu Tuệ nhấn mạnh linh hoạt các công cụ của chính sách tài khóa- tiền tệ để ổn định vĩ mô cho nền kinh tế cần tập trung vào những vấn đề sau.
Một là, tiếp tục điều hành chính sách tài khóa chủ động, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với chính sách tiền tệ và các chính sách khác nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.
Hai là, cần tiếp tục lựa chọn vừa thúc đẩy phục hồi, vừa ổn định kinh tế vĩ mô dựa trên chính sách tài khóa linh hoạt. Tình hình kinh tế thế giới năm 2023 được dự báo sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường và tiềm ẩn nguy cơ lạm phát cao, sản xuất đình trệ, rủi ro vĩ mô lớn. Vấn đề đặt ra cho các nhà hoạch định chính sách là phải có giải pháp đương đầu với 2 nguy cơ lạm phát và suy thoái. Trong điều kiện vị thế tài khóa ngân sách của Việt Nam tương đối tốt, tỉ lệ nợ công đang ở mức khả quan, Việt Nam có thể lựa chọn chính sách tài khóa làm vai trò trụ cột để thực hiện "mục tiêu kép"- vừa thúc đẩy phục hồi, vừa ổn định kinh tế vĩ mô. Đây là lựa chọn hợp lý do chính sách tài khóa thường ít gây áp lực cho lạm phát hơn và có dư địa lớn hơn so với chính sách tiền tệ.
Ba là, cần tiếp tục giữ vững nguyên tắc điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt trong ứng biến về ngắn hạn nhưng phải tuân thủ các nguyên tắc cân đối ngân sách và kỷ luật tài chính về dài hạn trên cơ sở theo dõi sát sao công tác lập dự toán và chấp hành ngân sách nhà nước ở tất cả các cấp. Bên cạnh đó, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm sử dụng có hiệu quả nợ công, cơ cấu nợ công theo hướng bền vững, sử dụng hiệu quả ngân quỹ nhà nước; từng bước phục hồi lại kỷ luật tài khóa để đảm bảo sự bền vững của ngân sách trong dài hạn;
Bốn là, thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Bên cạnh mục tiêu thúc đẩy phục hồi kinh tế, chính sách tài khóa cần hướng đến mục tiêu bình đẳng, vực dậy niềm tin của doanh nghiệp và người dân. Tính chất linh hoạt của chính sách tài khóa cho phép "bơm" tiền trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp; kịp thời giảm áp lực chi phí cho doanh nghiệp và người lao động trong thời kỳ khó khăn; hạn chế tốc độ sụt giảm nhu cầu tiêu dùng và gia tăng khả năng hồi phục của nền kinh tế.
Năm là, bên cạnh ngân sách Nhà nước, cần đẩy mạnh huy động nguồn vốn tư nhân để đầu tư cho cơ sở hạ tầng; đẩy mạnh hơn nữa việc công khai, minh bạch và tăng cường trách nhiệm giải trình nhằm phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho phát triển; giảm mặt bằng lãi suất, góp phần để thực hiện các nhiệm vụ chi phát triển hạ tầng kinh tế- xã hội; là nền tảng cho tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tỉ giá.
Sáu là, cần tập trung chủ động theo dõi sát tình hình thế giới, khu vực và trong nước, đặc biệt là diễn biến lạm phát, giá cả để kịp thời ứng phó linh hoạt với các biến động vĩ mô nhằm bảo đảm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát. Đồng thời tăng cường kiểm soát chặt chẽ các khoản chi; rà soát, sắp xếp các khoản chi theo thứ tự ưu tiên; cân đối nguồn lực phù hợp cho chính sách an sinh xã hội; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tạo động lực cho phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Bảy là, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ một cách hợp lý, hiệu quả nhất. Đồng thời, tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để ổn định thị trường chứng khoán, bảo hiểm, thị trường vốn và bảo đảm quản lý tài chính ngân sách, tài sản công một cách hiệu quả nhất. Sang năm 2023, cần tiếp tục thực hiện chính sách gia hạn, hoãn thời gian nộp thuế, đồng thời giảm tiền thuê đất,… để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và hộ gia đình.
Là một nền kinh tế có độ mở lớn, Việt Nam không thể tránh khỏi ảnh hưởng mạnh từ những biến động bên ngoài cộng với những áp lực từ bên trong. Do đó, việc triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp chính sách tài khóa, tiền tệ, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân sẽ góp phần quyết định vào việc thực hiện mục tiêu ổn định, duy trì đà phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong bối cảnh đó, sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng hơn nữa giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ nhằm tăng sức đề kháng với những "cú sốc" bên ngoài, đồng thời góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ vững chắc./.
Giang Oanh