In bài viết

Linh hoạt, phản ứng chính sách sớm để ‘biến nguy thành cơ’

(Chinhphu.vn) - Nhiều ý kiến chuyên gia, trí thức cho rằng trong thời gian qua, đất nước đã nhanh chóng nắm bắt được thời cơ, đặc biệt là thành công trong chống dịch COVID-19, phục hồi và phát triển kinh tế. Trong thời gian tới, trước bối cảnh nhiều bất ổn, tiếp tục cần sự linh hoạt và phản ứng chính sách sớm của các bộ, ngành để “biến nguy thành cơ”, đưa đất nước đi lên.

05/11/2022 08:58
Linh hoạt, phản ứng chính sách sớm để ‘biến nguy thành cơ’ - Ảnh 1.

Ông Hoàng Công Đoàn, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Chủ tịch CLB Đầu tư và Khởi nghiệp doanh nhân trẻ Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư Sông Thao - Ảnh: VGP/Thùy Chi

Ông Hoàng Công Đoàn, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Chủ tịch CLB Đầu tư và Khởi nghiệp doanh nhân trẻ Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư Sông Thao nhận định, trong 10 tháng đầu năm, nền kinh tế toàn cầu vẫn bị sụt giảm, kinh tế các nước lớn, phát triển cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Đại dịch đi qua, căng thẳng giữa Nga - Ukraine tiếp tục đưa chi phí vận chuyển tăng vọt trong khi Trung Quốc vẫn thực hiện chính sách Zero COVID-19 làm tăng thêm rủi ro trong việc cải thiện chuỗi cung ứng, xuất nhập khẩu hàng hóa, khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu sụt giảm và đẩy cao hơn nữa lạm phát ở nhiều quốc gia.

Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, đúng hướng, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chúng ta đã tập trung giải quyết khó khăn, tháo gỡ vướng mắc, vượt qua thách thức, giúp kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn.

Điển hình, ngành công nghiệp tiếp tục duy trì tăng trưởng, khi chỉ số sản xuất (IIP) trong nước ước tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chỉ số IIP của ngành chế biến chế tạo tăng 5,7%.

Tính chung 10 tháng năm 2022, chỉ số IIP tăng 9% với nhiều ngành công nghiệp trọng điểm tăng trưởng cao. Hay tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 10 tháng ước tăng 20,2% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, trong bối cảnh lạm phát thế giới vẫn đang ở mức cao thì Việt Nam vẫn kiểm soát được lạm phát khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 10 tháng qua tăng 2,89% so với cùng kỳ năm trước. Đây là những tín hiệu đáng mừng.

"Trong nguy có cơ, một số doanh nghiệp vững mạnh nhân đà này có thể bứt phá, đổi ngôi, tuy nhiên một số doanh nghiệp có thể gặp khó khăn trong tín dụng ngân hàng, tiếp cận nguồn vốn.  Do đó, cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, nới lỏng tín dụng để các doanh nghiệp có thể tiếp tục đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước", ông Hoàng Công Đoàn nêu quan điểm.

Bên cạnh việc phát triển kinh tế, cũng trong 10 tháng qua, chủ trương của Đảng, Nhà nước đã rất chú trọng đến công tác chống tham nhũng, loại bỏ lợi ích nhóm, tạo một sân chơi rộng và bằng phẳng hơn, giúp tạo cơ hội cho các tổ chức, doanh nghiệp có năng lực thực sự có thể chứng tỏ khả năng của mình và phát triển.

Linh hoạt, phản ứng chính sách sớm để ‘biến nguy thành cơ’ - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội - Ảnh: Gia Huy

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội nhận định, đất nước đã nhanh chóng nắm bắt được thời cơ, đặc biệt là thành công trong chống dịch COVID-19. Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm ổn định cho đất nước.

Đảng và Nhà nước đã kiên định lập trường, khôn khéo, mềm dẻo trong chính sách đối ngoại, tạo điều kiện cho tất cả các thắng lợi khác, gìn giữ hoà bình và độc lập dân tộc, giữ gìn chủ quyền.

Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 khách quan, đúng mực, thẳng thắn, nhận diện rõ bài học trong phát triển kinh tế-xã hội. Đó là tư tưởng ổn định kinh tế vĩ mô là quan điểm chủ đạo, không chạy theo mục tiêu tăng trưởng mà tập trung ổn định kinh tế vĩ mô.

Đồng thời với đó là các biện pháp quyết liệt trong phòng chống dịch, hỗ trợ phục hồi kinh tế. Hầu hết các chỉ số đều đạt và ngoài mong đợi của chúng ta sau thời kỳ COVID-19.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng cho rằng trong phát triển kinh tế-xã hội còn những khó khăn nhất định như những vấn đề trong lĩnh vực y tế vừa qua rất cần giải quyết dứt điểm với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Thùy Chi - Gia Huy