Bộ GTVT vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Đà Nẵng về dự án đầu tư Bến cảng Liên Chiểu, Đà Nẵng - phần cơ sở hạ tầng dùng chung và đầu tư các bến cảng thuộc khu bến Liên Chiểu.
Theo Bộ GTVT, dự án xây dựng bến cảng Liên Chiểu - phần cơ sở hạ tầng dùng chung đang được Ban Quản lý dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên thành phố Đà Nẵng (chủ đầu tư) tổ chức thực hiện đầu tư, thi công (gồm đê chắn sóng, luồng tàu, đường vào cảng…) và dự kiến hoàn thành tháng 11/2025.
Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho UBND TP Đà Nẵng khẩn trương triển khai các thủ tục để tổ chức lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực thực hiện đầu tư xây dựng, kinh doanh các bến cảng, đảm bảo công khai, minh bạch tuân thủ quy định của Luật Đấu thầu, Luật Đất đai và các quy định liên quan. Đồng thời, chịu trách nhiệm đảm bảo tiến độ đưa các bến cảng vào khai thác hiệu quả đồng bộ với phần cơ sở hạ tầng dùng chung.
Ngoài ra, thành phố cũng cần khẩn trương triển khai đầu tư xây dựng và sớm hoàn thành dự án. Cùng đó, kêu gọi, thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào các phân khu chức năng của khu bến cảng để khai thác đồng bộ, hiệu quả cảng Liên Chiểu.
Đến nay, UBND TP Đà Nẵng đã trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng khu bến Liên Chiểu - phần kêu gọi đầu tư.
Theo đánh giá của Bộ GTVT, thời gian thi công, đưa vào khai thác 2 bến khởi động khu bến Liên Chiểu cho tàu container sức chở 100.000 tấn (8.000 Teu) với quy mô 750m cần khoảng 2-3 năm. Trong khi đến nay, chưa lựa chọn được nhà đầu tư khu bến nên đến năm 2025 sẽ chưa thể khai thác 2 bến khởi động đồng thời với khai thác phần hạ tầng dùng chung.
Từ đây, Bộ GTVT đề nghị UBND TP Đà Nẵng tiếp tục phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện, trình Quốc hội ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng về nội dung đầu tư xây dựng và khai thác tổng thể khu bến cảng Liên Chiểu.
Cơ quan này cũng đề nghị Đà Nẵng phối hợp để đẩy nhanh tiến trình phê duyệt chủ trương đầu tư khu bến cảng Liên Chiểu.
Bên cạnh đó, nghiên cứu điều chỉnh tiến độ đầu tư một số hạng mục công trình (đê chắn sóng, luồng tàu, đường vào cảng…) thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình Bến cảng Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng - phần cơ sở hạ tầng dùng chung phù hợp với tiến trình đầu tư các bến cảng thuộc khu bến Liên Chiểu.
Cục Hàng hải Việt Nam được giao trách nhiệm tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ kịp thời trong quá trình UBND thành phố Đà Nẵng chỉ đạo thực hiện đầu tư dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu - phần cơ sở hạ tầng dùng chung và phần kêu gọi đầu tư.
Những kiến nghị này nhằm tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Quy hoạch tổng thể hệ thống cảng biển Việt Nam, sớm đưa các bến khởi động thuộc khu bến Liên Chiểu khai thác đồng bộ với phần cơ sở hạ tầng dùng chung; thu hút và đáp ứng lượng hàng hóa thông qua cảng biển tại khu vực thời gian tới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và khu vực.
Được biết, Dự án Đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu gồm 2 dự án thành phần. Trong đó, Dự án Đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu (phần cơ sở hạ tầng dùng chung) có tổng mức đầu tư 3.462 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương và TP. Đà Nẵng, đã được Thủ tướng phê duyệt vào năm 2021. UBND TP. Đà Nẵng tổ chức khởi công vào tháng 9/2023, dự kiến hoàn thành trong năm 2025.
Trong khi đó, Dự án Đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu (phần kêu gọi đầu tư) bao gồm 8 bến container (tổng chiều dài neo đậu 2.750 m cho tàu từ 50.000 - 200.000 DWT), 6 bến hàng tổng hợp (tổng chiều dài neo đậu 1.550 m cho tàu từ 50.000 - 100.000 DWT), bến cho tàu pha sông biển, hậu phương cảng. Theo tính toán sơ bộ của UBND TP. Đà Nẵng, chi phí đầu tư vào khoảng 48.304 tỷ đồng.
Trước đó, UBND TP. Đà Nẵng từng đề xuất hai phương án đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu (phần kêu gọi đầu tư). Cụ thể, phương án 1 triển khai thủ tục kêu gọi đầu tư 2 bến khởi động trong giai đoạn I với tổng chiều dài cầu cảng 750 m; các bến tiếp theo sẽ được triển khai sau. Phương án 2 thực hiện kêu gọi đầu tư một lần cho toàn bộ khu bến cảng Liên Chiểu gồm 8 bến container; 6 bến tổng hợp cho giai đoạn đến năm 2050 (trong đó phân kỳ đầu tư đến năm 2030 là 2 bến container) với tổng diện tích 450 ha; lượng hàng thông qua đạt khoảng 50 triệu tấn.
Hiện phương án 1 đã có 2 nhà đầu tư là Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng và liên danh Tổng công ty Đầu tư xây dựng và Thương mại Anh Phát - Tập đoàn Adani (Ấn Độ) nộp hồ sơ hợp lệ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng 2 bến khởi động cảng Liên Chiểu. Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì thẩm định chủ trương đầu tư trên cơ sở hồ sơ của Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng.
Đáng nói, thời gian qua, UBND TP. Đà Nẵng luôn nghiêng về phương án 2, đồng thời kiến nghị Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT, Bộ GTVT hướng dẫn UBND TP. Đà Nẵng thực hiện các thủ tục đầu tư, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.
Mới đây, tháng 3/2024, trong văn bản gửi Bộ KHĐT trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chấp thuận phương án kêu gọi đầu tư các khu bến trong quy hoạch cảng Liên Chiểu, UBND TP. Đà Nẵng đề xuất đầu tư một lần cho toàn bộ khu cảng (có phân kỳ đầu tư theo quy hoạch). Đề xuất này được lý giải là nhằm chọn được nhà đầu tư có năng lực mạnh đầu tư, quản lý và khai thác đồng bộ cảng Liên Chiểu.
Trước đó, tại Công văn số 8131/BKHĐT-PTHTĐT, Bộ KH&ĐT cho rằng, phương án 2 (đầu tư 1 lần cho toàn bộ khu cảng) có tính tổng thể, tận dụng và tối ưu hóa hiệu quả khai thác đường bờ chiều dài khu bến, có cơ hội thu hút được nhà đầu tư lớn, tiềm lực, đầu tư đồng bộ khu bến cảng và khu hậu cần sau cảng, nâng cao hiệu quả khai thác quỹ đất, mặt nước, khu vực biển; đồng thời có thể sẽ lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực về tài chính và khả năng khai thác cảng.
Tuy nhiên, trong trường hợp có 1 nhà đầu tư khi thực hiện gặp rủi ro về năng lực tài chính, sẽ ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư, kinh doanh khai thác của toàn bộ dự án, lỡ mất cơ hội đầu tư xây dựng các bến cảng khu bến Liên Chiểu theo quy hoạch. Bên cạnh đó, Bộ KHĐT cũng lo ngại, việc kêu gọi đầu tư toàn bộ một lần khu bến cảng Liên Chiểu có thể dẫn đến việc Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng không được tham gia đầu tư, quản lý, vận hành, khai thác giai đoạn khởi động.
Đồng thời, với tiến trình quy hoạch sau năm 2030 từng bước chuyển đổi công năng thành bến cảng du lịch phù hợp với tiến trình đầu tư khai thác khu bến Liên Chiểu sẽ ảnh hưởng đến sự tồn tại, phát triển của Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng, có khả năng gây mất vốn nhà nước và phát sinh các vấn đề xã hội đối với người lao động.
Hiện nay, các khu bến cảng có quy mô lớn là các khu bến Cần Giờ (TP.HCM), Cái Mép Hạ và Cái Mép Hạ hạ lưu (Bà Rịa - Vũng Tàu), Trần Đề (Sóc Trăng) đang trong quá trình kêu gọi đầu tư. Trường hợp cấp thẩm quyền quyết định đầu tư khu bến Liên Chiểu theo phương án 2, sẽ là tiền đề để kêu gọi đầu tư một lần toàn bộ từng khu bến nêu trên, phù hợp với xu thế phát triển của Việt Nam và quốc tế hiện nay, có khả năng dành dư địa để phát triển tiếp trong tương lai (sau năm 2050).
Liên quan đến vấn đề này, UBND TP. Đà Nẵng cho biết, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (đơn vị nắm 75% vốn điều lệ của Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng) đã ký thỏa thuận hợp tác với Adani để có thể hình thành liên danh tham gia đầu tư bến cảng Liên Chiểu khi cấp có thẩm quyền thống nhất chủ trương kêu gọi đầu tư. Trong trường hợp này, việc dừng các bước thẩm định của Bộ KHĐT sẽ không có vướng mắc.
Tổng diện tích quy hoạch các khu bến trong cảng Liên Chiểu là 288,33 ha, bao gồm phần xây dựng công trình và khu nước trước bến neo đậu tàu nhằm đảm bảo công suất cả hàng tổng hợp, rời khoảng 17 - 19 triệu tấn/năm; hàng container khoảng 5,2 - 5,8 triệu tấn/năm.
Theo UBND TP. Đà Nẵng, những lợi ích có thể lượng hoá được (các khoản thu ước tính) khi cảng Liên Chiểu đi vào hoạt động bao gồm: thu thuế VAT, thuế xuất nhập khẩu khoảng 4,8 nghìn tỷ đồng/năm 2030; 17,1 nghìn tỷ đồng/năm 2040; 25,8 nghìn tỷ đồng năm 2050. Thu phí hàng hải, lệ phí ra vào cảng biển… khoảng 230 tỷ đồng/năm.
Khi hoàn thành xây dựng, cảng Liên Chiểu sẽ trở thành cảng trung chuyển quốc tế, sớm đưa khu vực Liên Chiểu thành cửa ngõ trung chuyển quốc tế, tham gia vào chuỗi cung ứng vận tải thế giới. Cùng với đó, tạo lợi thế cạnh tranh thu hút các hãng tàu, hãng vận tải, chủ hàng, doanh nghiệp logistics có thương hiệu về cảng Liên Chiểu nhằm hình thành một trung tâm cảng biển, logistics của cả nước, phục vụ xuất nhập khẩu và trung chuyển; thực hiện mục tiêu phát triển logistics trở thành ngành dịch vụ mũi nhọn và xây dựng TP. Đà Nẵng thành trung tâm logistics của miền Trung và cả nước
Phan Trang