In bài viết

Lo ngại bị diệt vong: Con người tìm cách quản AI có trách nhiệm

(Chinhphu.vn) - Cơn sốt chatGPT, cùng với sự trỗi dậy của các công nghệ "sản xuất” ảnh, video, văn bản với tốc độ tính bằng giây... đã làm dấy lên những quan ngại về mối nguy AI có thể vượt qua trí tưởng tượng của con người.

16/06/2023 17:04
Lo ngại bị diệt vong: Con người tìm cách quản AI có trách nhiệm - Ảnh 1.

Ảnh: Getty Images

Vương quốc Anh - một trong 3 quốc gia dẫn đầu thế giới về AI (trí tuệ nhân tạo) đứng sau Mỹ và Trung Quốc, tuyên bố đăng cai tổ chức hội nghị thượng đỉnh toàn cầu đầu tiên về AI vào mùa thu tới. Hội nghị sẽ tập hợp các quốc gia lớn, các công ty công nghệ hàng đầu và các nhà nghiên cứu để thống nhất các biện pháp đánh giá cũng như giám sát các rủi ro từ AI, đảm bảo công nghệ này được phát triển và áp dụng một cách an toàn, có trách nhiệm.

Theo Thủ tướng Anh Rishi Sunak, AI chứa đựng khả năng đáng kinh ngạc để biến cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn, tuy nhiên cũng cần có những biện pháp để đảm bảo công nghệ này được phát triển và sử dụng theo cách an toàn, bảo mật.

"Không một quốc gia nào có thể làm điều này một mình. Điều này sẽ cần một nỗ lực mang tính toàn cầu", Thủ tướng Anh Rishi Sunak khẳng định.

Tại châu Âu, để đảm bảo điều kiện tốt hơn việc phát triển và sử dụng công nghệ AI, cũng như đảm bảo các hệ thống dựa trên công nghệ tiên tiến này, công nghệ AI được sử dụng ở EU phải an toàn, minh bạch, có thể theo dõi, không phân biệt đối xử và thân thiện với môi trường. Nghị viện châu Âu cũng đang tiến hành các bước để sớm ban hành luật AI áp dụng trong toàn khối vào cuối năm nay.

Theo đó, đây sẽ là luật AI toàn diện đầu tiên trên thế giới. Luật này thiết lập các quy tắc khác nhau cho 4 cấp độ rủi ro mà AI có thể gây ra, bao gồm rủi ro không thể chấp nhận, rủi ro cao, rủi ro hạn chế và rủi ro tối thiểu hoặc không có rủi ro.

Trong đó, các rủi ro không thể chấp nhận được và coi là mối đe dọa đối với con người sẽ bị cấm, bao gồm thao túng hành vi nhận thức của con người hoặc các nhóm dễ bị tổn thương, cụ thể tính điểm xã hội và hệ thống nhận dạng sinh trắc học từ xa và thời gian thực như nhận dạng khuôn mặt.

Lo ngại bị diệt vong: Con người tìm cách quản AI có trách nhiệm - Ảnh 2.

Ông Trương Gia Bình (ngoài cùng bên trái) chia sẻ về AI có trách nhiệm với GS. Yoshua Bengio, nhà sáng lập Viện Nghiên cứu AI Mila - Ảnh: VGP/VA

 Tiêu chuẩn quốc gia về AI

Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên quan tâm đến "AI có trách nhiệm". Mới đây, dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia về trí tuệ nhân tạo - quy trình vòng đời và yêu cầu chất lượng gồm 2 phần (siêu mô hình chất lượng và độ bền vững) cũng đã được Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra lấy ý kiến rộng rãi.

Tiêu chuẩn này áp dụng cho tất cả các giai đoạn vòng đời của AI từ khái niệm, phát triển, triển khai, ứng dụng và ngừng hoạt động để đảm bảo tính an toàn, bảo mật, quyền riêng tư và mức độ phù hợp về đạo đức của chúng.

Chia sẻ về "AI có trách nhiệm" tại Hội nghị thượng đỉnh AI Canada-Việt Nam được tổ chức mới đây, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT cho biết, các nhà khoa học, người nghiên cứu công nghệ cần có những thỏa thuận mang tính chấp thuận toàn cầu về trách nhiệm sử dụng AI.

Năm 1968, cả thế giới đã khởi đầu tiến trình ký kết Hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân với 3 nguyên tắc trụ cột là không phổ biến, giải giới và quyền sử dụng kỹ thuật hạt nhân cho mục đích hòa bình. Với AI cũng cần một thỏa thuận tương tự để AI có thể là người bạn đồng hành, mang lại hạnh phúc cho mỗi con người.

"Là công ty công nghệ toàn cầu, FPT mong muốn hợp lực trí tuệ AI đỉnh cao vì một thế giới an toàn hơn, tốt đẹp hơn và hạnh phúc hơn. Mục tiêu lớn lao của công nghệ nói chung hay trí tuệ nhân tạo nói riêng, đều để song hành, đem lại niềm vui, sự hạnh phúc cho cuộc sống con người", ông Trương Gia Bình chia sẻ.

Để hiện thực hóa điều này, FPT đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Mila, Viện Nghiên cứu AI hàng đầu thế giới về để tiên phong xây dựng bộ khung Trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm (Responsible AI). Bộ khung này đặt ra những quy ước đảm bảo AI được phát triển và triển khai theo hướng có lợi cho cộng đồng, tôn trọng các giá trị nhân văn và đáp ứng các tiêu chuẩn đạo đức, pháp lý.

Sau khi hoàn thiện, bộ khung này sẽ được ứng dụng trong các dự án về AI với khách hàng toàn cầu của FPT, đồng thời cũng góp phần định hình các quyết định mang tính trách nhiệm và có đạo đức của các kỹ sư, thực tập sinh cũng như sinh viên lập trình của FPT khi triển khai, thiết kế các giải pháp AI.

Xác định AI là công nghệ mũi nhọn trong chiến lược chuyển đổi số tại Việt Nam và trên thế giới, ngay từ năm 2013, FPT đã đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu mảng công nghệ này ở tất cả các khía cạnh gồm con người, cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng, dữ liệu.

Hiện, hệ sinh thái các sản phẩm, giải pháp ứng dụng công nghệ AI do FPT nghiên cứu phát triển phục vụ hơn 200 triệu người sử dụng hàng tháng. Tập đoàn dự định sẽ tích hợp AI vào tất cả các sản phẩm, giải pháp "made by FPT", mang lại trải nghiệm tốt nhất có thể cho khách hàng.

HM