Nông sản và năng lượng là hai nhóm thị trường đón nhận lực mua rất tích cực; đóng góp quan trọng vào đà tăng chung của toàn thị trường. Lực mua được thúc đẩy chủ yếu từ lo ngại nguồn cung toàn cầu thắt chặt, từ đó tạo động lực cho giá tăng cao.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 18/7, các mặt hàng trong nhóm năng lượng đồng loạt tăng giá. Giá khí tự nhiên dẫn đầu với mức tăng 4,66% lên 2,63 USD/MMBtu, cắt đứt chuỗi giảm 4 phiên liên tiếp, được hỗ trợ bởi tiêu thụ điện tăng cao trước các đợt nắng nóng tại Mỹ, đặc biệt là bang Texas. Hội đồng Điện của bang này cho biết nhu cầu đã đạt kỷ lục trong 2 ngày đầu tuần.
Trên thị trường dầu thô, giá dầu tăng trở lại sau 2 phiên giảm trước đó khi rủi ro về nguồn cung tiếp tục thúc đẩy lực mua. Giá dầu WTI kết phiên tăng 2,16% lên mức 75,75 USD/thùng và dầu Brent đóng cửa lại mức giá 79,63 USD/thùng, tương đương mức tăng 1,44%.
Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng Mỹ (EIA), sau khi đạt mức cao kỷ lục vào tháng 9 và tháng 4, sản lượng dầu đá phiến của Mỹ sẽ giảm lần đầu tiên trong năm nay vào tháng 8, xuống còn 9,4 triệu thùng/ngày.
Kết hợp với việc cắt giảm sản lượng từ Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh OPEC+, sự sụt giảm sản lượng tại Mỹ cũng làm dấy lên lo ngại về thâm hụt nguồn cung nửa cuối năm nay, thúc đẩy lực mua trên thị trường.
Trong khi đó, xuất khẩu dầu thô trung bình 4 tuần của Nga, đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng 1 đầu năm nay, ở mức 3,1 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 16/7. Con số này hiện thấp hơn khoảng 270.000 thùng/ngày so với tháng 2, tháng tham chiếu cho mức cắt giảm 500.000 thùng/ngày của Nga.
Giá dầu Urals của Nga đã tăng lên trên ngưỡng trần giá 60 USD/thùng lần đầu tiên vào tuần trước. Tuy nhiên, theo dữ liệu từ Argus Media, giá đã trở về mức thấp hơn một chút so với mức giá trần, đạt 58,6 USD/thùng vào ngày 17/7.
Chuyên gia từ Tập đoàn Citigroup cho biết giá dầu Brent sẽ khó có thể giảm xuống dưới 70 USD/thùng, nhưng sẽ duy trì dưới 90 USD/thùng trong năm nay, trừ khi có các tác động rất mạnh.
Giá dầu cũng chịu sự ảnh hưởng bởi yếu tố liên thị trường trong phiên hôm qua khi một sốnNgân hàng lớn tại Mỹ và có sức ảnh hưởng toàn cầu đã báo cáo thu nhập trong quý II. Trong đó, lợi nhuận của Bank of America và Morgan Stanley đều đánh bại ước tính của giới chuyên gia, củng cố tâm lý lạc quan hơn về nền kinh tế Mỹ trong bối cảnh lãi suất cao.
Rạng sáng nay theo giờ Việt Nam, báo cáo từ Viện dầu khí Mỹ cho thấy tồn kho dầu thô thương mại của Mỹ giảm 800.000 thùng trong tuần kết thúc ngày 16/7, thấp hơn kỳ vọng giảm 2,4 triệu thùng/ngày. MXV cho biết, thông tin này có thể sẽ khiến đà phục hồi của giá dầu chững lại trong phiên mở cửa hôm nay.
Giá ngô bất ngờ tăng vọt 5,63% lên 210 USD/tấn trong phiên giao dịch hôm qua và dẫn dắt nhóm nông sản. Đây cũng là mức tăng mạnh nhất của ngô trong gần 2 năm qua. Thị trường được thúc đẩy chủ yếu bởi các thông tin xoay quanh tình hình xuất khẩu ở Biển Đen, trong bối cảnh lo ngại về mùa vụ ở Mỹ vẫn chưa kết thúc.
Một ngày sau khi Nga thông báo không gia hạn thỏa thuận cho phép các tàu vận tải xuất khẩu ngũ cốc đi qua an toàn ở Biển Đen, căng thẳng gia tăng trong khu vực đã khởi động lại một đợt tăng mạnh mới đối với nhóm nông sản.
Đây cũng là nguyên nhân chính thúc đẩy đà tăng của giá lúa mì, đặc biệt là sau những báo cáo về thiệt hại cơ sở hạ tầng tại cảng Odessa. Đóng cửa, giá lúa mì Chicago kỳ hạn tháng 9 tăng 2,60% lên 246 USD/tấn, giá lúa mì Kansas cùng kỳ hạn tăng 1,47% lên gần 304 USD/tấn.
Theo MXV, việc thoả thuận ngũ cốc không được tiếp tục gia hạn nhiều khả năng sẽ là vấn đề rất nghiêm trọng đối với nguồn cung nông sản toàn cầu nếu xuất khẩu vẫn chưa được nối lại. Điều này có thể sẽ mở ra chu kỳ tăng giá mới đối với giá nông sản thế giới, biến động mạnh với biên độ rộng tương tự như thời điểm căng thẳng bắt đầu diễn ra.