In bài viết

Loại bỏ bệnh “thành tích” khi thống kê

(Chinhphu.vn) - Chất lượng công tác thống kê ngày càng được cải thiện, hướng tới thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, vẫn có ý kiến cho rằng, số liệu thống kê vẫn còn những bất cập, phần nào giảm độ tin cậy.

07/01/2013 08:49

TS. Đỗ Thức, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê. - Ảnh: VGP/Huy Thắng

TS. Đỗ Thức, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trao đổi với phóng viên xung quanh vấn đề này.

PV: Theo nhiều ý kiến, bất cập rất lớn hiện nay là thống kê địa phương còn thiếu độ tin cậy như tình trạng thống kê mức tăng trưởng GDP của địa phương nào cũng khá cao, bình quân cao hơn cả nước. Theo ông, đâu là nguyên nhân?

Tổng cục trưởng Đỗ Thức: Đây thật sự là vấn đề cần phải khắc phục, đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc đến trong buổi làm việc mới đây với Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Hiện nay, số liệu thống kê còn thiếu nhất quán giữa các Bộ, ngành và địa phương. Người dân cũng như nhiều cơ quan không biết dựa vào số liệu nào đáng tin cậy nhất.

Đúng là hiện nay, số cộng bình quân giản đơn và số mà các cơ quan thống kê địa phương báo cáo lên với số liệu mà Tổng cục Thống kê tính cũng chênh lệch khá lớn, khoảng 1,7 lần. GDP các tỉnh tính toán thường cao hơn của toàn quốc, nguyên nhân do cả phía chủ quan và khách quan.

Về  phía khách quan, thứ nhất, nguyên nhân do sức ép của các chỉ tiêu đặt ra cho các địa phương.  Bệnh “thành tích” ở các địa phương là có, việc này làm mất đi ý nghĩa thực chất của số liệu thống kê...

Thứ hai, kinh tế nước ta trong nhiều năm gần đây phát triển khá nhanh, cả về quy mô và số lượng. Có nhiều doanh nghiệp doanh nghiệp xuyên tỉnh hoặc xuyên quốc gia nên việc bóc tách của doanh nghiệp riêng cho tỉnh nào cụ thể là rất khó khăn. Vì vậy, việc tính GDP cho tỉnh gây ra hiện tượng tính trùng, tính lặp giữa các tỉnh và giữa địa phương với quốc gia.

Ngoài ra, một yếu tố quan trọng là chính doanh nghiệp và người dân cung cấp thông tin không chính xác.

Về phía chủ quan, bản thân ngành thống kê đã hướng dẫn cách tính GDP thống nhất nhưng cách thức triển khai ở địa phương chưa thật sự tốt, trình độ cán bộ thống kê có hạn.

PV: Thực tế, số liệu thống kê giữa các Bộ, ngành cũng có sự vênh nhau ở một số chỉ tiêu, ít nhiều ảnh hưởng đến điều hành vĩ mô từ Trung ương? Ý kiến của ông về vấn đề này thế nào?

Tổng cục trưởng Đỗ Thức: Chính phủ đã ban hành Nghị định 03/2010/NĐ-CP ngày 13/01/2010 quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức thống kê bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Nếu chúng ta thực hiện tốt Nghị định này thì công tác thống kê sẽ thực sự hiệu quả, nhưng về thực tế, chỉ có một số ít Bộ có tổ chức thống kê, trong đó Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính có cơ quan thống kê khá mạnh. Một số Bộ khác chưa có bộ máy thống kê mạnh, do đó, đúng là số liệu thống kê giữa các Bộ, ngành nhiều khi còn vênh.

Ví dụ về chỉ tiêu giàu nghèo, Tổng cục Thống kê khi tính toán phải loại trừ yếu tố giá, vì khi giá tăng thì người nghèo giảm đi tương đối, nhưng có cơ quan khác lại không loại trừ yếu tố giá.

Hoặc mâu thuẫn về khái niệm, theo tiêu chuẩn quốc tế, khái niệm người lao động được đào tạo phải là người được đào tạo 3 tháng và sau đó được cấp chứng chỉ. Tổng cục Thống kê thu thập thông tin dựa trên khái niệm này và con số đưa ra trong năm nay khoảng 18-19%, nhưng một số Bộ, ngành khi tính toán lại đưa ra con số trên 40%, do dựa trên khái niệm, tiêu chuẩn khác.

PV: Xin ông cho biết định hướng, giải pháp của Tổng cục Thống kê trong năm 2013 để có thể hoàn thành mục tiêu nâng Chỉ số chung về năng lực thống kê theo các tiêu chí đánh giá của Ngân hàng Thế giới phấn đấu đạt 70 điểm vào năm 2015?

Tổng cục trưởng Đỗ Thức: Rõ ràng không thể để tồn tại những bất cập trong số liệu thống kê. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ triển khai nhiều biện pháp cụ thể, mà trước hết là phải làm tốt hơn những chỉ đạo của Chính phủ với công tác thống kê, ban hành đề án đồng bộ hóa các chỉ tiêu thống kê, đảm bảo cho số liệu đầu vào sát hơn, tốt hơn. Phải khẩn trương hoàn thiện phương pháp thống kê chuẩn mực quốc tế.

Hai là, tiếp tục thay đổi năm gốc để tính toán từ 1994 sang năm 2010 ở nhiều chỉ tiêu và cập nhật hệ thống tài khoản quốc gia mới theo phiên bản 2008 của chuẩn mực thống kê thế giới, nhưng đồng thời phải phù hợp với nước ta.

Bên cạnh đó, địa phương cũng cần xóa bỏ tư duy chạy theo bệnh “thành tích”, cần thực hiện nghiêm chế tài nhằm đảm bảo nguồn cung cấp thông tin từ phía người dân và doanh nghiệp được đầy đủ, chuẩn xác. Tổng cục Thống kê cũng sẽ tăng cường tập huấn và thanh tra, kiểm tra giám sát hoạt động của cán bộ thống kê.

 Huy Thắng

(thực hiện)