Bộ trưởng Cao Đức Phát. Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã nói điều này khi trả lời phỏng vấn Cổng TTĐT Chính phủ về các giải pháp trong lĩnh vực nông nghiệp ở những địa phương Nam Trung Bộ, nơi mà người dân đang phải vật lộn với hạn hán gay gắt kéo dài.
Thưa Bộ trưởng, các tỉnh Nam Trung Bộ hiện đang chịu nhiều thiệt hại do nắng hạn kéo dài. Vậy làm thế nào để chuyển đổi cây trồng, vật nuôi vừa phù hợp lại vừa đạt hiệu quả kinh tế cho nhân dân?
Bộ trưởng Cao Đức Phát: Theo dự báo, trong thời gian tới dưới tác động của El Nino, hạn hán có thể kéo dài và nghiêm trọng hơn. Trước tình hình đó, lãnh đạo Chính phủ và các cơ quan chức năng đã đến trực tiếp nắm tình hình, thăm hỏi, động viên nhân dân và xúc tiến giải pháp khắc phục.
Trong chuyến thị sát tình hình hạn hán mới đây ở Ninh Thuận và Khánh Hòa, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo những giải pháp vừa trước mắt vừa mang tính lâu dài để khắc phục tình trạng này. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, các bộ, ngành liên quan sẽ phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện.
Tôi xin nêu một số nội dung sau:
Một là, bảo đảm đủ nước uống cho người dân, nước cho gia súc và nhu cầu của cuộc sống. Cố gắng duy trì sản xuất, bảo đảm đời sống của nhân dân trong khả năng có thể, giảm đến mức tối đa thiệt hại do hạn hán.
Những biện pháp chính được xác định là tiếp tục phát triển hệ thống thủy lợi để nâng cao năng lực dự trữ nước tại các địa phương, trong đó có việc bảo đảm an toàn các hồ chứa hiện có, nâng cấp những nơi có điều kiện và xây dựng bổ sung các hồ chứa đáp ứng yêu cầu mới, đặc biệt là các hồ chứa dung tích lớn, có khả năng điều tiết nhiều năm.
Hai là, điều chỉnh lại cơ cấu sản xuất theo hướng sử dụng tiết kiệm và hiệu quả các nguồn nước. Chẳng hạn, tỉnh Ninh Thuận nên tập trung hơn nữa cho phát triển chăn nuôi và trồng các loại cây sử dụng ít nước nhưng có hiệu quả cao như nho, táo, ngô, các loại cây dùng làm thức ăn chăn nuôi.
Ba là, hướng dẫn và hỗ trợ nông dân áp dụng kỹ thuật sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả. Trong đó, có việc sử dụng các thiết bị và phương pháp tưới tiết kiệm như tưới nhỏ giọt, phun sương cho cây trồng…
Xin được hỏi Bộ trưởng về tình trạng hệ thống thủy lợi khu vực này và hiệu quả của nó?
Bộ trưởng Cao Đức Phát: Ở vùng Ninh Thuận, Bình Thuận hơn 10 năm qua, Chính phủ đã huy động các nguồn lực hỗ trợ để xây dựng nhiều hồ chứa, công trình thủy lợi và tăng dung tích các hồ chứa lên gấp 3 lần. Tuy nhiên, đến nay, tổng dung tích các hồ chứa của tỉnh Ninh Thuận mới đạt 200 triệu m3. Dung tích này cũng chưa đáp ứng yêu cầu trong điều kiện bình thường, còn với tình hình hạn hán như năm nay thì hầu hết các hồ chứa đã cạn.
Tỉnh Khánh Hòa cần hồ chứa chứa được khoảng 500-600 triệu m3 nước nhưng hiện nay mới chỉ đạt hơn 200 triệu m3. Điều này cho thấy chúng ta cần xây dựng thêm các hồ chứa.
Tuy vậy, theo tôi, có hai vấn đề cần quan tâm. Đó là chú trọng việc bảo vệ và phát triển rừng ở lưu vực các hồ chứa nhằm duy trì các nguồn sinh thủy để các hồ chứa luôn có nguồn nước bổ sung. Đồng thời, phát triển hệ thống kênh mương và áp dụng các giải pháp sử dụng nước hiệu quả, tiết kiệm. Những công việc này cần được tiến hành đồng thời chứ không chỉ chú trọng việc xây dựng các hồ chứa.
Như vậy, các giải pháp đã được đưa ra đối với khu vực đang “khát” này. Chúng ta bắt tay làm ngay hay cần một thời gian để khảo sát, đánh giá hoặc giao cho các cơ quan chức năng báo cáo, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Cao Đức Phát: Thực ra, chúng ta đã nhìn thấy vấn đề này nhiều năm rồi. Vì thế, Nhà nước đã huy động các nguồn lực và từng bước thực hiện. Nhưng so với yêu cầu thực tế hiện nay thì vẫn chưa đáp ứng được, đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực hơn nữa.
Việc này đang được thực hiện và trước tình hình mới, theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ NN&PTNT đã tập trung các nguồn lực với mức độ cao hơn, đặc biệt là vận động các nhà tài trợ quốc tế hỗ trợ với quy mô lớn hơn, khẩn trương hơn giúp các địa phương thực hiện các biện pháp đã đề ra.
Chúng tôi sẽ cố gắng cao nhất với tất cả nguồn lực, phương tiện có được để hỗ trợ và phối hợp chính quyền các địa phương triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm giảm đến mức tối thiểu thiệt hại do hạn hán, từng bước ổn định đời sống nhân dân theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Lê Sơn (thực hiện)