In bài viết

Lợi ích từ lao động nhập cư với kinh tế thế giới

(Chinhphu.vn) - Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng di cư quốc tế gia tăng, tuy nhiên, lý do kinh tế vẫn là nguyên nhân chủ yếu.

13/09/2013 10:45

Theo báo cáo của LHQ, trên thế giới hiện có 232 triệu người (chiếm 3,2% dân số thế giới) lao động di cư ra khỏi biên giới quốc gia. Trong đó, Mỹ là nước đứng đầu thế giới về số lượng người nhập cư. Có 45,8 triệu người nước ngoài đang sinh sống tại Mỹ. Tiếp đến là Nga với khoảng trên 10 triệu người.

Châu Âu là nơi có dân di cư đang sinh sống đông nhất, chiếm khoảng 34%; tiếp đó là châu Á 28%; Bắc Mỹ 23%; châu Phi 9%; châu Mỹ Latinh 3% và châu Đại Dương 3%.

Người di cư, chủ yếu là người trong độ tuổi lao động đi tìm việc làm, không chỉ từ các nước đang phát triển đến các nước phát triển, mà còn từ các nước đang phát triển đến các nước đang phát triển khác. Các luồng di cư Nam-Nam đang tăng lên khá mạnh. Riêng lục địa châu Phi hiện nay cũng có tới 20 triệu người là người nhập cư. Khu vực Tây Phi, trừ Nigeria, đã có tới 40% dân số rời bỏ quê hương để tìm cho mình một “chân trời mới”. Một số quốc gia châu Phi nay đã trở thành những điểm đến đầy hứa hẹn của lao động nhập cư.

Lao động di cư là vấn đề đã có từ lâu trong quá trình phát triển của thế giới. Sau khi “phát hiện” ra Châu Mỹ, những làn sóng người Châu Âu tràn sang lục địa này và dần dần trở thành những ông chủ của vùng đất mới. Dân bản xứ trở thành thiểu số. Hợp chủng quốc Hoa Kỳ là một bằng chứng điển hình nhất của lịch sử di cư quốc tế. Đa số người Anh, người Ireland, người Đức... đã vượt Đại Tây Dương sang định cư ở Bắc Mỹ. Còn người  Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha... sang “chiếm lĩnh” các vùng đất Nam Mỹ.

Ngày nay, lao động di cư đã trở thành một xu hướng đáng chú ý trong bối cảnh quốc tế mới, nhất là thời đại toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng di cư quốc tế gia tăng đó là chiến tranh, xung đột, an ninh, kinh tế và xã hội chậm phát triển. Tuy nhiên, lý do kinh tế vẫn là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng di cư quốc tế ngày càng tăng.

Vấn đề di cư và nhập cư đang trở thành vấn  đề nóng trên qui mô toàn cầu, chứ không phải chỉ riêng của một quốc gia. Tổng Giám đốc Tổ chức Di cư Thế giới (IOM) Brunson McKinley cho rằng: “Chúng ta đang sống trong một thế giới toàn cầu hóa và không thể dựa mãi vào thị trường lao động nội địa. Đó là một thực tế cần phải xem xét. Nếu được quản lý tốt, người nhập cư có thể đem lại nhiều lợi ích hơn là tổn hại”.

Quả thật, những lợi ích của việc nhập cư mang lại đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở những nước họ đến và tổ quốc của họ.

Tại Anh, một nghiên cứu của Chính phủ cho thấy, trong một năm, tiền thuế mà những người nhập cư đóng cao hơn 4 tỷ USD so với số tiền trợ cấp dành cho họ. Tại Mỹ, Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia ước tính thu nhập quốc dân đã tăng 8 tỷ trong năm nhờ những người nhập cư. Theo báo cáo của LHQ, phần nhiều bằng sáng chế, phát minh của Mỹ là sản phẩm của những người nhập cư.

Nguồn kiều hối và chất xám từ lao động nhập cư cũng đã đem lại lợi ích đáng kể cho nhiều quốc gia. Báo cáo của LHQ cho biết, tổng số tiền mà người lao động nhập cư trên toàn thế giới gửi về nước của họ năm 2011 là hơn 300 tỷ USD (tăng gấp nhiều lần so với con số 102 triệu USD năm 1995). Nguồn thu nhập này được coi là một công cụ đấu tranh chống đói nghèo bởi số tiền trên đã góp phần trang trải chi phí học hành cho trẻ em, mua sắm nhà cửa, xây dựng đường sá…

Đối với các nền kinh tế mới nổi, vốn cho việc xây dựng một nền tảng khoa học kỹ thuật là rất quan trọng. Việc một bộ phận nhỏ lao động có tay nghề sẽ không tạo ra một sự thiếu hụt nhân lực; ngược lại, nước này sẽ có thêm cơ hội thắt chặt mối liên hệ với bên ngoài thông qua mạng lưới các chuyên gia của họ đang làm việc ở nước ngoài. Ngay từ những năm 1990, cả Ấn Độ và Trung Quốc đều khuyến khích mô hình di dân tích cực này; đồng thời tạo điều kiện cho đội ngũ trí thức ở nước ngoài có thể đóng góp vào sự phát chung của đất nước.

Nếu được sử dụng hợp lý, lao động nhập cư có thể là giải pháp cho tình trạng thiếu lao động và giảm số dân ở các quốc gia phát triển công nghiệp hóa.

Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố tích cực, di cư quốc tế lại là vấn đề gây không ít phiền toái đối với nhiều nước. Lao động nhập cư gây ra nhiều vấn đề cho nước nhập cư. Sự phân biệt đối xử, sự chênh lệch về trình độ dân trí, sự khác biệt về văn hóa, xã hội cũng là mầm mống gây xung đột xã hội.

Rõ ràng để dung hòa hai mặt tích cực và tiêu cực của lao động di cư, các quốc gia cần có chiến lược cụ thể, hữu hiệu và lâu dài. Đây cũng là mối quan tâm chung của cộng đồng quốc tế./.

Nguyễn Chiến