Ông Nguyễn Văn Minh, ở xã Lương Bình cũng cho biết: Cuối tháng 9/2010, nhà máy thông báo nông dân là không mua mía non, mía tạp chất. Đầu tháng 11/2010, nhà máy bắt đầu vào vụ thu mua mía niên vụ 2010-2011, nhưng thực chất trong tháng 10/2010, nhà máy lại tổ chức thu mua mía xô, mía non ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long về chế biến, rõ ràng nhà máy nói “một đường làm một nẻo”. Mặt khác, nhà máy còn đưa ra nhiều điều kiện nghịch lý, như trừ tạp chất từ 3-7%, giảm 1 chữ đường là trừ 100.000 đồng/tấn. Trong khi đó, các tỉnh khác chỉ giảm 2-3% tạp chất, giảm 70.000-80.000 đồng/chữ đường. Điều quan trọng hơn nữa là cách tính chữ đường nhà máy không rõ ràng, vì không có một cơ quan nào giám sát, một ruộng mía chở 3 ghe hoặc 3 xe khác nhau thì cách tính chữ đường cũng khác nhau, giá thu mua mía ở nhà máy đường NIVL lúc nào cũng thấp hơn từ 150.000-250.000 đồng/tấn so với đem bán ở nhà máy đường tỉnh Bến Tre. Do đó, hiện nay nhiều hộ nông dân ở các huyện Bến Lức, Thủ Thừa thu hoạch mía thuê phương tiện vận chuyển xuống bán ở tỉnh Bến Tre.
Thanh Tuấn