In bài viết

Long An tăng trưởng bền vững từ Chỉ thị số 40-CT/TW

(Chinhphu.vn) - Nằm ở cửa ngõ nối liền miền Đông Nam Bộ với vùng đất chín rồng, con đường hướng tới trung tâm phát triển kinh tế năng động, hiệu quả, bền vững của khu vực phía Nam, Long An đang dần hiện thực hóa với những khu công nghiệp, đô thị ngày một lắp đầy.

15/12/2023 18:38
Long An tăng trưởng bền vững từ Chỉ thị số 40-CT/TW- Ảnh 1.

Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng phát biểu tại buổi làm việc với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Long An.

Tuy nhiên, tỉ lệ hộ nghèo đa chiều tại đây vẫn còn 3,21% cùng thách thức thực hiện mục tiêu đạt thu nhập bình quân đầu người 180 triệu đồng/năm vào năm 2030, người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh, hạnh phúc vẫn là một thách thức lớn, đòi hỏi Long An cần phát huy hơn nữa hiệu quả triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, hội tụ trí lực của cả hệ thống chính trị vào công cuộc giảm nghèo, phát triển kinh tế bền vững.

Về huyện Châu Thành, Long An, khác với thời gian dịch COVID-19 (nhiều hộ dân bỏ vườn, hay chuyển đổi sang cây trồng khác khi xuất khẩu thanh long gặp khó khăn, chất lượng thanh long không đáp ứng quy chuẩn xuất khẩu chính ngạch), nhiều chủ vườn thanh long đang cải tạo và mở rộng áp dụng khoa học kỹ thuật mang theo kỳ vọng của người dân về một tương lai tươi sáng.

Sự thay đổi kỳ diệu này đến từ việc cấp ủy, chính quyền huyện Châu Thành nhận thức rõ thanh long vẫn là cây mang lại lợi nhuận kinh tế cao nếu đáp ứng đúng các yêu cầu của doanh nghiệp thu mua, vì vậy, năm 2022 huyện kêu gọi người trồng thanh long tạm dừng chuyển sang cây trồng khác; hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất thanh long sạch đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; nỗ lực kết nối mở rộng thị trường tiêu thụ trái thanh long.

Long An tăng trưởng bền vững từ Chỉ thị số 40-CT/TW- Ảnh 2.

Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng (ngoài cùng bên trái) thăm mô hình gia đình chị Nguyễn Thị Kim Em ở ấp 8, xã Phước Tân Hưng, huyện Châu Thành vay 50 triệu đồng vốn chính sách để trồng và chăm sóc 0,2 ha thanh long.

Đặc biệt, cuối năm 2022, UBND huyện Châu Thành ưu tiên tăng nguồn vốn ủy thác cho NHCSXH huyện trong năm 2023 lên 12 tỷ đồng. Đồng thời, vận động Công ty bột giặt TICO dành hơn 5 tỷ đồng ủy thác qua NHCSXH để cho vay giúp nông dân tái sản xuất thanh long.

Theo báo cáo, nguồn vốn địa phương ủy thác qua NHCSXH huyện Châu Thành đến nay đạt hơn 40 tỷ đồng, chiếm 10,17% tổng nguồn vốn, tăng 82,86% so với đầu năm, trong đó nguồn vốn ngân sách huyện là 22,5 tỷ đồng, tăng 12 tỷ đồng. 

Nguồn vốn ngân sách tỉnh là 12,6 tỷ đồng, tăng 6,2 tỷ đồng. Nguồn vốn ngân sách địa phương đã kịp thời hỗ trợ cho 340 lượt khách hàng vay vốn với tổng doanh số cho vay đạt trên 21,5 tỷ đồng; giải quyết cho 328 lao động có việc làm ổn định, hỗ trợ xây dựng 21 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường, giúp 3 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo đề án của tỉnh. Nguồn vốn chính sách cũng góp phần đưa dư nợ của NHCSXH huyện lên tới 390 tỷ đồng, tăng 19,73% so với năm 2022 và đang hỗ trợ cho 7.826 khách hàng.

Đây chỉ là một trong những hiệu ứng của việc tích cực triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 và Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Long An.

Tại buổi làm việc với NHCSXH, Bí thư Tỉnh uỷ Long An Nguyễn Văn Được cho biết, hơn 9 năm qua thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW đã thực sự đi sâu vào đời sống xã hội và có tác động mạnh mẽ, tích cực đối với hoạt động tín dụng chính sách. Cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh Long An xác định hoạt động tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm phải lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đạt hiệu quả.

Điều này có thể thấy rõ qua giai đoạn 2014-2023, nhất là thông qua việc tỉnh tập trung huy động các nguồn lực cho hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Đến ngày 12/12, nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương là 435 tỷ đồng, chiếm 7,62% tổng nguồn vốn, tăng 78 lần so với trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TW. Trong đó, ngân sách tỉnh tăng 188 tỷ đồng; ngân sách các huyện, thành phố tăng 247 tỷ đồng so với trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TW. 

Long An tăng trưởng bền vững từ Chỉ thị số 40-CT/TW- Ảnh 3.

Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng trao đổi, chia sẻ thông tin với một số Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn tại phiên giao dịch định kỳ hằng tháng tại xã của NHCSXH huyện Châu Thành.

Ngoài ra, chi nhánh NHCSXH tỉnh Long An còn tiếp nhận một số nguồn vốn ủy thác của các tổ chức, đơn vị trên địa bàn tỉnh để cho vay các đối tượng được quy định theo từng chủ đầu tư và được ghi rõ trên hợp đồng ủy thác với tổng nguồn đạt 13,5 tỷ đồng, chiếm tỉ trọng 0,24% tổng nguồn vốn, trong đó nguồn vốn ủy thác của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh là 5,6 tỷ đồng, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. Tân An 2,5 tỷ đồng,...

Với sự hội tụ trí lực và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác tín dụng chính sách xã hội đã trợ lực cho chi nhánh NHCSXH tỉnh Long An, đưa tổng nguồn vốn đạt 5.710 tỷ đồng, tăng 3.558 tỷ đồng so với năm 2014 (tăng 165%). Trong đó, nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương 453 tỷ đồng, tăng 363 tỷ đồng (tăng 403%) so với năm 2014. Đặc biệt từ khi thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ (năm 2022-2023), nguồn vốn tăng 1.657 tỷ đồng (tăng 40%), tỷ lệ tăng cao nhất từ trước đến nay.

Đây là nền tảng để chi nhánh mở rộng độ phủ cũng như độ sâu của tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Long An. Giai đoạn 2014-2023 đã có 353.669 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn; 65.774 hộ vượt qua ngưỡng nghèo, cận nghèo, góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giai đoạn 2011-2015 từ 7,37% xuống còn 2,98% (cuối năm 2015) và giai đoạn 2016-2020 từ 4,03% xuống còn 1,16% (cuối năm 2020) và đến tháng 6/2023 theo chuẩn giai đoạn 2022-2025 còn 0,97%. 28.073 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học; tạo việc làm cho 36.368 lao động; xây dựng 305.349 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường; 785 căn nhà cho hộ nghèo và đối tượng chính sách...

Tính đến ngày 12/12, tổng dư nợ của chi nhánh NHCSXH tỉnh Long An đạt 5.674 tỷ đồng, với 122.479 hộ vay, tăng 3.527 tỷ đồng (tăng 164%) so với năm 2014. Trong đó, dư nợ cho vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đạt 514 tỷ đồng.

Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được nhận định: "Nguồn vốn chính sách thực sự phát huy hiệu quả, góp phần không nhỏ trong việc thực hiện thành công các Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn; qua đó, đóng góp tích cực trong việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội theo Nghị quyết của Đảng bộ và chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh".

Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng cho biết nguồn vốn và dư nợ bình quân của đơn vị cấp huyện còn thấp so với mức trung bình chung toàn quốc (bình quân toàn quốc 474 tỷ đồng/đơn vị huyện; bình quân của Long An là 377 tỷ đồng/đơn vị huyện, đứng vị trí 60/63 chi nhánh các tỉnh, thành), trong đó nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương chiếm 7,62% trên tổng nguồn vốn cho vay, thấp hơn so với bình quân toàn quốc (chiếm hơn 11% nguồn vốn).

Vì vậy, để thực mục tiêu đến năm 2030 Long An trở thành cửa ngõ trên tuyến hành lang kinh tế đô thị - công nghiệp của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng nhấn mạnh, song hành với việc phát triển công nghiệp dịch vụ, Long An cần chú trọng đến các chính sách nhằm tạo sinh kế bền vững và gia tăng thu nhập cho người dân, giảm khoảng cách thu nhập giữa nông thôn và thành thị... 

Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng đề nghị Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Long An tiếp tục quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chủ trương, chính sách về tín dụng ưu đãi; tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Kế hoạch của tỉnh về triển khai thực hiện Chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2030. Trọng tâm là tăng cường huy động các nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội, bám sát và phối hợp với cơ quan tài chính báo cáo, tham mưu UBND trình HĐND các cấp ưu tiên, cân đối, bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH theo mục tiêu của Tỉnh ủy và UBND tỉnh đề ra.

Xây dựng các chính sách hỗ trợ tín dụng cho các đối tượng cần bảo trợ nhưng nằm ngoài các chương trình chính sách hiện có và dành nguồn tín dụng ủy thác qua NHCSXH để hỗ trợ người dân an cư lạc nghiệp, phát triển kinh tế bền vững. Đây là nền tảng để tiến trình phát triển của Long An đi nhanh và bền vững hơn, hội nhập cùng công cuộc phát triển kinh tế bền vững, hội nhập với kinh tế quốc tế.

Việt Hải