In bài viết

Lớp học ‘gia sư áo xanh’ trong mùa COVID

(Chinhphu.vn) - Bên cạnh việc hỗ trợ bồi dưỡng kiến thức cho con em công nhân, lao động nghèo tại TPHCM, năm nay, chương trình “Gia sư áo xanh” còn có đội hình “Chăm sóc sức khoẻ tâm thần cho thanh thiếu nhi bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID”. Từ tháng 10 đến nay, dưới hình thức trực tuyến, những lớp học “gia sư áo xanh” đã giúp nhiều em nhỏ mồ côi cha, mẹ vì dịch bệnh ấm lòng khi được chia sẻ, quan tâm bằng những hoạt động ý nghĩa.

18/11/2021 12:52

Một lớp học "gia sư áo xanh" hồi đầu năm 2021. 

Chỉ mong hết dịch để được nắm chặt đôi tay học trò yêu quý

“Em mong Sài Gòn mau hết dịch để em lên đó ôm D. một cái, nắm chặt đôi tay và tặng cô bé một món quà. Với em, giờ D. như em gái trong nhà”, Hồng Phượng, sinh viên năm cuối Đại học Kinh tế TPHCM, một trong số những tình nguyện viên (TNV) của chương trình “Gia sư áo xanh” năm 2021 bùi ngùi chia sẻ.

Không còn xa lạ với vai trò gia sư miễn phí cho con em lao động nghèo tại Thành phố mình theo học, nhưng đây là năm đầu tiên cô sinh viên quê Bình Phước nhận thêm vai trò hỗ trợ mặt tâm lý cho trẻ em mồ côi vì COVID. Ban đầu, khi nghe thông tin ngắn gọn về D., cô bé mình sẽ kèm cặp trong năm học này, Phượng vừa thương vừa lo.

Chẳng may mẹ mất trong giai đoạn dịch bệnh tại TPHCM diễn biến phức tạp nhất, ba lại đi làm xa, bé D. ở với bà. Chưa được 10 tuổi nhưng D. đã cảm nhận rõ nỗi đau, sự trống vắng của việc mất đi người thân yêu nhất. Vì vậy ngay trong lần đầu trò chuyện qua internet, cô trò nhỏ chỉ nói vài câu với giọng buồn buồn khiến Phượng thêm áp lực. Phượng sợ mình bối rối quá sẽ nói gì đó đụng vào vết thương chưa thể lành của bé. “Năm cuối, phải báo cáo thực tập nên bận lắm nhưng thấy chương trình ý nghĩa quá, em đăng ký tham gia luôn. Dạy và hỗ trợ trực tuyến nên dù ở quê em vẫn có thể làm tốt công việc của mình. Em chỉ hơi lo ở chỗ, liệu mình có thể trở thành chỗ dựa tinh thần, có thể giúp cô học trò bé nhỏ ấy mở lòng hơn khi đang chịu quá nhiều tổn thương này không?”, Phượng tâm sự.

Phượng kể một buổi học của hai cô trò thường kéo dài khoảng 1,5 giờ đồng hồ. Trước đó, Phượng chuẩn bị sẵn nhiều trò chơi giải trí phù hợp với độ tuổi của D. trên nền tảng công nghệ mới để em được khám phá những điều thú vị. Những kiến thức D. chưa kịp tiếp thu trên lớp học trực tuyến của trường hay các bài tập chưa làm xong đều được Phượng nhiệt tình hỗ trợ. Sau mấy buổi học, cách trò chuyện của cả cô và trò dần thân mật, cởi mở hơn. Những ngày không có giờ học, cô gia sư “áo xanh” vẫn dành thời gian nhắn tin hỏi thăm, động viên trò nhỏ của mình…

Chẳng vội vàng truyền đạt ngay bài vở, TNV Ngọc Hà dành trọn 3 buổi đầu chỉ để ngồi lắng nghe, trò chuyện cùng học trò mới. Cũng như D., Q. - cậu trò đặc biệt của Hà vừa mất cha vì dịch COVID-19. Từ ngày ấy, Q. vốn đã rụt rè giờ thêm ít nói. Thời gian đầu, Hà khá áp lực vì không biết Q. có chịu mở lòng, có chịu để cô đồng hành và sẻ chia với mình không. Nhưng Hà vẫn cố gắng tìm mọi cách tiếp cận, lắng nghe những câu trả lời ngắn củn, buồn hiu của cậu bé. Sự kiên trì cuối cùng cũng có kết quả, đến buổi gặp mặt thứ 3 trên máy tính, Q. đã chủ động kể cho Hà nghe về hoàn cảnh và ước mơ của mình. Ngay lúc đó, Hà biết, lớp học của mình đã có thể bắt đầu.

Hà dành nhiều thời gian thiết kế bài giảng thật bắt mắt, tích hợp các ứng dụng, game hóa kiến thức để giúp buổi học trôi qua nhẹ nhàng. Phần nhiều thời gian, cô gia sư vẫn ưu tiên cho việc trò chuyện và hỗ trợ hồi phục sức khỏe tâm thần cho người bạn nhỏ. Hà hay kể cho Q. nghe những câu chuyện về niềm lạc quan, về nghị lực của nhiều bạn nhỏ khác, về những điều khó khăn trong cuộc sống rồi lồng vào đó cách xử lý, cách vượt qua. Hà không bao giờ gợi lại chuyện buồn của học trò mà chỉ khéo léo động viên theo cách riêng. Chính điều đó khiến Q. cảm thấy ngày càng gần gũi với cô giáo của mình.

Sau hơn 1 tháng nhận lớp, Hà nói, mình nhận về quá nhiều thứ, đó là kỹ năng, kinh nghiệm và tình thương yêu. Cậu bé Q. xem Hà như người thân nên thoải mái kể chuyện trường chuyện lớp, chuyện buồn vui trong ngày và nhờ giúp đỡ khi cần. Hà chia sẻ: “Mấy năm tham gia chương trình, đây là năm em thấy xúc động nhất vì được đồng hành, sẻ chia với những trường hợp quá đặc biệt như Q. Em chẳng có gì nhiều để cho đi mà chỉ là kiến thức, sự chân thành nhưng lại nhận về quá nhiều, nhất là sự lạc quan của cậu bé. Nếu là Q., chưa chắc em đủ mạnh mẽ như vậy. Mong cho bé bình an trên suốt chặng đường còn lại của cuộc đời”…

Một chương trình giàu tính nhân văn

Duy trì hoạt động nhiều năm nay, “Gia sư áo xanh” đã trở thành chương trình đồng hành quen thuộc với con em công nhân, lao động nghèo tại TPHCM. Từ năm 2020, khi tình hình dịch bệnh COVID-19 ở TPHCM có nhiều diễn biến phức tạp, chương trình đã có những thay đổi hiệu quả và hỗ trợ tốt hơn cho các bạn thanh thiếu nhi. Đối tượng thụ hưởng của các lớp học “0 đồng” ngày càng được mở rộng, thời gian triển khai chương trình xuyên suốt cả năm chứ không chỉ gói gọn trong dịp hè như giai đoạn đầu. Bên cạnh đó, việc dạy trực tuyến cũng được đẩy mạnh nhằm đảm bảo an toàn trong công tác phòng chống dịch.

Không thể đến tận nhà dạy trực tiếp như trước kia, các TNV tìm mọi cách kết nối, hỗ trợ người học từ xa. Điểm thay đổi khiến nhiều người xúc động là năm nay, Hội Sinh viên, Hội đồng Đội và Trung tâm Hỗ trợ Học sinh - Sinh viên TPHCM có thêm hoạt động chăm sóc sức khỏe tâm thần cho thanh thiếu nhi bị ảnh hưởng dịch COVID-19. Mặc dù đến đầu tháng 10 mới chính thức triển khai nhưng từ tháng 9, chương trình đã lên danh sách, tiến hành khảo sát các trường hợp đặc biệt và thiết kế phương án hỗ trợ riêng cho từng em tùy theo sức học và hoàn cảnh thực tế.

Với những trường hợp quá khó khăn, chương trình còn hỗ trợ sách giáo khoa, dụng cụ học tập, đường truyền, thiết bị học trực tuyến giúp các em duy trì việc học. Việc dạy học, hỗ trợ tâm lý được thực hiện trên cơ sở tôn trọng quyền riêng tư của trẻ và có lộ trình rõ ràng, giúp các em đạt được kết quả học tập tốt hơn. Sang học kỳ 2, nếu tình hình dịch bệnh tại TPHCM được kiểm soát, chương trình sẽ phối hợp cả hình thức trực tuyến lẫn trực tiếp nhằm giúp các em nhỏ có thêm bạn đồng hành.

Việc bổ sung vai trò mới khiến công tác tập huấn TNV của Trung tâm Hỗ trợ Học sinh - Sinh viên TPHCM trong năm nay “nặng” hơn do có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, đây là thay đổi kịp thời cần có để thích ứng với hoàn cảnh hiện tại, khi quá nhiều gia đình chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh. Điều đáng quý là dù dịch bệnh và phải học trực tuyến nhưng mỗi sinh viên tham gia chương trình luôn nỗ lực tìm cách tốt nhất hỗ trợ các em nhỏ. Ngoài những trải nghiệm về chuyên môn, các lớp học trong mùa dịch năm nay mang đến cho các TNV rất nhiều cảm xúc về sự đồng cảm, sẻ chia, yêu thương con người...

Anh Lê Nguyễn Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Học sinh - Sinh viên TPHCM cho biết để đáp ứng yêu cầu thực tế, năm nay, Ban Tổ chức đẩy mạnh công tác tập huấn các kỹ năng giảng dạy trực tuyến cho các TNV tham gia chương trình. Theo đó, các gia sư được hướng dẫn cụ thể để nắm rõ cách sử dụng hiệu quả các nền tảng dạy trực tuyến, các phương pháp giúp học sinh tiếp thu nhanh chóng, phương pháp tạo sự thích thú trong học tập trực tuyến… Nhằm tăng cường công tác hỗ trợ chăm sóc sức khoẻ tâm thần cho trẻ, TNV được tham gia các lớp tập huấn tâm lý học trong giảng dạy để có thể kết nối tâm lý với các em học sinh, các vấn đề liên quan đến tâm sinh lý cần thiết cho nghiệp vụ sư phạm, hỗ trợ ổn định tâm thần chuyên sâu cho những trường hợp bị chấn động tâm lý./.

Gia Mỹ