Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng. Ảnh: VGP/Hiền Minh |
Luật An toàn thông tin mạng vừa được thông qua tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII. Luật chính thức có hiệu lực từ 1/7/2016.
Luật An toàn thông tin mạng gồm 8 chương, 54 điều, quy định những nguyên tắc chung về bảo đảm an toàn thông tin mạng, quyền và trách nhiệm cá nhân của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm an toàn thông tin mạng...
Tại Hội nghị phổ biến Luật An toàn thông tin mạng diễn ra ngày 13/4, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng nhấn mạnh, đây là bộ luật quan trọng để triển khai các hoạt động an toàn thông tin tại Việt Nam, đồng thời là bước khởi đầu hoàn thiện khung pháp lý về an toàn thông tin một cách đồng bộ, khả thi. Đồng thời, phát huy tối đa các nguồn lực để bảo đảm an toàn thông tin mạng; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân cũng như đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH, quốc phòng-an ninh.
Để triển khai hiệu quả các quy định của Luật, Bộ TT&TT theo thẩm quyền sẽ chủ trì xây dựng các văn bản dưới luật và hướng dẫn triển khai Luật. Song song với đó là trách nhiệm phổ biến các quy định của Luật tới các cơ quan, tổ chức, cá nhân - là đối tượng thực thi và áp dụng Luật trên phạm vi toàn quốc - để người dân hiểu đúng và áp dụng đúng quy định.
Theo đó, nội dung phổ biến sẽ tập trung giới thiệu về hoạt động An toàn thông tin mạng, quyền và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm An toàn thông tin mạng; các quy định về kinh doanh trong lĩnh vực An toàn thông tin mạng nói chung và các quy định cụ thể về kinh doanh mật mã dân sự và cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số...
Trước mắt, Bộ TT&TT sẽ xây dựng các văn bản triển khai Luật như quy định bảo vệ hệ thống thông tin theo cấp độ an toàn thông tin; quy định về Điều kiện cấp Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ An toàn thông tin mạng; quy định danh mục sản phẩm mật mã dân sự xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép…
Hiền Minh